Thông tin dinh dưỡng, Lối sống khoẻ

Nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting) là gì?

Nhịn ăn gián đoạn là gì?

Có lẽ bạn đã ít nhất một lần nghe thấy cụm từ “nhịn ăn gián đoạn” (intermittent fasting – IF). Có thể một thành viên trong nhà bỏ ăn sáng vì “chưa đến giờ ăn”, hay một người bạn không thể dùng bữa tối muộn cùng bạn.

Trong những năm gần đây, mặc dù nhịn ăn gián đoạn đã trở thành một trong những chế độ ăn uống phổ biến nhất, nhưng thật ra phương pháp này đã có từ rất lâu. Hippocrates được cho là người đầu tiên áp dụng phương pháp nhịn ăn này vào thế kỉ thứ 5 trước Công nguyên với mục đích điều trị bệnh tật. Bên cạnh đó, đây cũng là một phần quan trọng đối với truyền thống của nhiều tôn giáo, trong đó có đạo Hồi.

Có nhiều nguyên nhân khiến bạn có thể muốn thử nhịn ăn, cụ thể là chế độ nhịn ăn gián đoạn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một vài hướng dẫn cơ bản về chế độ này và các mẹo giúp bạn tăng tỉ lệ thành công khi thực hiện nó.

1. Nhịn ăn gián đoạn là gì?

Không giống như những chế độ ăn kiêng khác, nhịn ăn gián đoạn không cần đến quá nhiều quy tắc.

Không giống như những chế độ ăn kiêng khác, nhịn ăn gián đoạn không cần đến quá nhiều quy tắc. Thay vào đó, theo Heather Bauer – nhà sáng lập Heather Bauer Nutrition, chế độ này được hiểu là “hạn chế hoàn toàn hoặc một phần và đôi khi là kiêng ăn trong một khoảng thời gian cụ thể”. Nói cách khác, nhịn ăn gián đoạn liên quan đến việc phân bổ thời gian nhịn ăn và ăn theo mỗi ngày hoặc mỗi tuần. Tuy nhiên, theo lời chuyên gia, chế độ này không thật sự hợp với tất cả mọi người.

2. Chế độ nhịn ăn gián đoạn có tác dụng như thế nào?

Bạn sẽ thực hiện chế độ nhịn ăn gián đoạn vào những ngày cố định trong tuần. Vào những ngày nhịn ăn, bạn sẽ phải tuân theo chế độ ăn kiêng bằng cách hạn chế một cách nghiêm ngặt lượng calo nạp vào cơ thể, hoặc bạn có thể hoàn toàn không ăn.

Điều này sẽ góp phần làm giảm đáng kể lượng calo tổng trong một tuần mà bạn nạp vào người.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhịn ăn trong một khoảng thời gian cụ thể trong ngày. Điều này sẽ góp phần làm giảm đáng kể lượng calo tổng trong một tuần mà bạn nạp vào người. Theo Caroline Susie – đại diện của Học viện Dinh dưỡng Dallas và rất nhiều chuyên gia khác, việc giảm lượng calo này sẽ giúp giảm cân và tăng cường quá trình trao đổi chất của cơ thể.

3. Những câu hỏi thường gặp

3.1. Liệu nhịn ăn gián đoạn có an toàn?

Nhìn chung, phương pháp này an toàn với sức khỏe chúng ta. Tuy nhiên, nếu bạn là thai phụ hoặc đang cho con sử dụng sữa mẹ hay có chỉ số BMI thuộc mức nhẹ cân, hoặc có tiền sử rối loạn ăn uống, bạn không nên thực hiện chế độ ăn kiêng này.

Bên cạnh đó, nếu bạn trên 70 tuổi, tuyệt đối đừng thử nhịn ăn gián đoạn. Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường hoặc đang sử dụng các loại thuốc khác, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về mức độ an toàn nếu bạn thực hiện chế độ ăn kiêng này để không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

3.2. Bạn nên thực hiện nhịn ăn gián đoạn trong bao lâu?

Thời gian thực hiện phương pháp này phụ thuộc hoàn toàn vào bạn.

Thời gian thực hiện phương pháp này phụ thuộc hoàn toàn vào bạn. Một số người chọn chu kỳ nhịn ăn là 8, 10 hoặc 12 giờ, một số người lại chọn nhịn ăn cách ngày hoặc một, hai ngày mỗi tuần. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn nhịn ăn trong vòng 24 giờ, có nghĩa là ăn tối vào một ngày và nhịn ăn cho đến bữa tối ngày hôm sau.

3.3. Bạn có thể giảm bao nhiêu cân nhờ phương pháp này?

Nếu bạn áp dụng các hình thức giới hạn thời gian, chẳng hạn như 16:8 – Nhịn ăn liên tục 16 tiếng sau đó có 8 tiếng để ăn những gì mình muốn, bạn sẽ giảm được 0.5-1 kg trong vòng một tuần. Đối với những hình thức nghiêm khắc hơn như nhịn ăn cách ngày, bạn sẽ giảm được từ 1-2kg trong cùng thời gian.

3.4. Nhịn ăn gián đoạn cần lưu ý những quy tắc nào?

Khi thực hiện phương pháp này, bạn không cần quá quan tâm về thức ăn mà điều cần lưu ý là khoảng thời gian giữa các bữa ăn. Bạn hãy xác định một khung thời gian ăn uống cụ thể trong ngày hoặc nhịn ăn một số ngày nhất định trong tuần.

3.5. Tại sao lại đi tiểu thường xuyên khi nhịn ăn gián đoạn?

Nếu bạn nạp nhiều nước hơn, ví dụ như nước lọc, cà phê hoặc trà trong quá trình nhịn ăn nhằm khiến cơ thể cảm thấy no hơn, bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn bình thường.

Nếu bạn nạp nhiều nước hơn, ví dụ như nước lọc, cà phê hoặc trà trong quá trình nhịn ăn nhằm khiến cơ thể cảm thấy no hơn, bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn bình thường. Bên cạnh đó, trong quá trình nhịn ăn bạn sẽ phải giảm thiểu một lượng lớn carbohydrate, điều đó sẽ khiến cho trọng lượng nước trong cơ thể giảm, khiến bạn đi vệ sinh nhiều hơn.

4. Một số hình thức của nhịn ăn gián đoạn

Thực tế, không có một tiêu chuẩn cụ thể nào khi thực hiện nhịn ăn gián đoạn cả.

Thực tế, không có một tiêu chuẩn cụ thể nào khi thực hiện nhịn ăn gián đoạn cả. Theo giáo sư dinh dưỡng thuộc đại học Illinois tại Chicago – Krista Varady, Nhịn ăn gián đoạn là thuật ngữ chỉ chung cho cả ba chế độ ăn kiêng khác nhau. Sau đây là một số hình thức mà bạn thường thấy:

4.1. Nhịn ăn cách ngày

Một trong những hình thức phổ biến nhất của phương pháp này chính là nhịn ăn cách ngày. Đối với hình thức ngày, bạn sẽ chỉ ăn khoảng 500 calories trong những ngày kiêng và vào ngày “nghỉ ngơi”, bạn sẽ ăn bất kỳ thứ gì mình muốn.

4.2. Chế độ 5:2

Đây là một hình thức khá phổ biến ở Anh. Sỡ dĩ gọi là chế độ ăn 5:2 bởi bạn sẽ có 5 ngày trong tuần ăn uống bình thường và 2 ngày còn lại chỉ được nạp vào lượng calo ở mức 500-600 mỗi ngày.

4.3. Nhịn ăn giới hạn thời gian

Theo chế độ ăn này, bạn sẽ xác định một khung thời gian nhất định trong ngày mà bạn có thể ăn một cách thoải mái, phần còn lại của ngày bạn nhịn ăn. Ví dụ: Bạn sẽ dùng bữa bình thường từ 12 giờ trưa đến 8 giờ tối và nhịn ăn các giờ còn lại của ngày.

Một số hình thức khác của nhịn ăn gián đoạn

5. Những lợi ích của phương pháp nhịn ăn gián đoạn

Theo cô Susie, nhìn chung hiện nay chưa có những nghiên cứu chuyên sâu về phương pháp nhịn ăn gián đoạn. Hầu hết những nghiên cứu mà bạn đọc được trên mạng đều dựa trên các nghiên cứu trên động vật.

Vì vậy, khi lựa chọn phương pháp này, hãy chắc chắn rằng bạn thực hiện chúng đúng cách. Chỉ khi đó, nhịn ăn gián đoạn mới có thể mang lại những lợi ích cho bạn:

  • Ngăn ngừa bệnh tim
Nhịn ăn gián đoạn có thể cải thiện sức khỏe tim mạch.

Mặc dù cần thêm một số nghiên cứu về lợi ích này, nhưng theo một số đánh giá, nhịn ăn gián đoạn có thể cải thiện sức khỏe tim mạch. Phương pháp này giúp làm giảm các nhân tố làm ảnh hưởng sức khỏe của tim mạch như béo phì, huyết áp hoặc cholesterol cao và bệnh tiểu đường. Tuy vậy, các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn rằng hình thức nhịn ăn gián đoạn nào là tốt nhất cho tim mạch.

  • Chữa bệnh tiểu đường tuýp 2
Nhịn ăn gián đoạn là một trong những phương pháp triển vọng trong việc chữa trị tiểu đường loại 2.

Nhịn ăn gián đoạn là một trong những phương pháp triển vọng trong việc chữa trị tiểu đường loại 2. Nhịn ăn không chỉ giúp giảm cân mà còn hỗ trợ làm giảm tình trạng kháng Insulin, làm giảm lượng đường trong máu và chống lại bệnh tiểu đường tuýp 2. Bên cạnh đó, phương pháp này còn có những tác động nhất định lên các hormones sản sinh ra bởi các tế bào mỡ và ảnh hưởng đến sự thèm ăn của bệnh nhân.

Nếu bạn bị tiểu đường và muốn thử phương pháp nhịn ăn gián đoạn, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện chúng.

  • Ngăn chặn bệnh Alzheimer và đột quỵ

Trong khi các nhà khoa học vẫn không ngừng thực hiện các nghiên cứu về lợi ích này, một số nghiên cứu đã cho thấy rằng Nhịn ăn gián đoạn có thể ngăn chặn bệnh Alzheimer và đột quỵ. Tuy nhiên, hầu hết các kết luận này được rút ra từ các nghiên cứu thực hiện trên động vật và ta vẫn chưa chắc chắn về thời điểm mà một người nên bắt đầu thực hiện chế độ ăn kiêng này để chống lại các bệnh thoái hóa thần kinh.

Bên cạnh đó, mặc dù không ít người cho rằng nhịn ăn gián đoạn có thể giúp tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung, nhưng trên thực tế chưa có đủ lập luận cho giả thuyết này.

  • Cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Phương pháp ăn kiêng này giúp cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Theo phân tích tổng hợp từ sáu nghiên cứu khác nhau trên các bệnh nhân gan nhiễm mỡ không do rượu – một loại bệnh về gan thường thấy ở những bệnh nhân béo phì, tiểu đường và mắc hội chứng chuyển hóa. Những bệnh nhân này đều áp dụng phương pháp nhịn ăn gián đoạn và thấy được sự cải thiện trong các chức năng gan một cách khá rõ ràng.

Từ đó, các chuyên gia kết luận rằng phương pháp ăn kiêng này giúp cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Tuy nhiên, cũng theo các nhà khoa học, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn trước khi đưa ra các khuyến nghị cụ thể về phương pháp này.

6. Giảm cân bằng chế độ nhịn ăn gián đoạn

Khi thực hiện chế độ ăn kiêng này, đơn giản là bạn ăn trong một khoảng thời gian ngắn hơn bình thường, có thể đó là ăn ít giờ hơn trong một ngày hoặc ít ngày ăn hơn trong một tuần. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Varady, việc ăn uống trong một khoảng thời gian giới hạn sẽ giúp cắt giảm vài trăm calo mỗi ngày một cách tự nhiên, đồng nghĩa với việc bạn sẽ giảm được 0.5-1kg mỗi tuần. Phương pháp này tương tự như chế độ hạn chế calo mỗi ngày, điều khác biệt là bạn không cần phải tập trung tính lượng calo.

Một nghiên cứu khác của cô cho thấy những người giảm thời gian ăn uống của họ xuống còn 8 giờ mỗi ngày sẽ tiêu thụ ít hơn khoảng 300 calo và giảm được khoảng 3% trọng lượng cơ thể của họ trong 12 tuần. Không chỉ thế, nhịn ăn luân phiên còn giúp cắt giảm từ 25-30% lượng calo hằng ngày nạp vào cơ thể, từ đó giúp giảm từ 4-6% trọng lượng cơ thể trong vòng 12 tuần.

Một nghiên cứu khác cũng kết luận rằng Nhịn ăn gián đoạn, đặc biệt là hình thức nhịn ăn luân phiên sẽ giúp người thừa cân hoặc người béo phì giảm chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể, dùng để đo trọng lượng cơ thể) hiệu quả hơn so với chế độ ăn kiêng thông thường. Theo bà Varady, việc nhịn ăn gián đoạn trong ngày sẽ giúp cân nặng giảm nhanh gấp đôi.

Tuy nhiên nhiều người lại cảm thấy khó khăn khi thực hiện chế độ ăn kiêng này. Trong một nghiên cứu của bà Varady, khoảng 30-40% số người tham gia đã bỏ cuộc khi họ áp dụng hình thức nhịn ăn cách ngày. Mặt khác, đối với hình thức nhịn ăn giới hạn thời gian, con số này chỉ là 5%.

Bởi phần lớn các nghiên cứu của bà Varady chỉ diễn ra tối đa trong vòng 6 tháng nên có lẽ tính chính xác chưa được cao. Do đó, cần có thêm nhiều khảo sát với thời gian dài hơn, ví như từ 1 đến 2 năm.

7. Những tác dụng phụ của nhịn ăn gián đoạn

Trước khi quyết định thực hiện một chế độ ăn kiêng mới  nào đó, kể cả nhịn ăn gián đoạn, bạn cần lưu ý rằng chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Giảm năng lượng
  • Dễ nóng giận
  • Dễ đói

Tất cả những tình trạng trên đều có thể xảy ra bởi bạn phải thay đổi thói quen ăn uống của mình. Mặc dù những tác dụng phụ trên là vô cùng bình thường, nhưng rõ ràng là chúng không dễ chịu một chút nào, thậm chí có thể ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của bạn.

Đối với một số người, vì quá khó chịu nên họ không thể tiếp tục chế độ ăn này. Hãy nhớ rằng, việc bạn dừng lại giữa chừng là hoàn toàn bình thường bởi chế độ này không dành cho tất cả mọi người.

Một lưu ý là trong 10 ngày đầu tiên, bạn có thể sẽ liên tục cảm thấy đói, tuy nhiên mọi thứ sẽ ổn vào những ngày sau khi cơ thể bạn đã làm quen với chế độ mới này.

8. Những nguy cơ về sức khỏe của nhịn ăn gián đoạn

Tuyệt đối không thực hiện nhịn ăn gián đoạn khi bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú, theo lời cô Bauer. Tương tự, nếu bạn có chỉ số BMI thấp hoặc từng bị rối loạn ăn uống, nhịn ăn gián đoạn cũng không phải là chế độ dành cho bạn. Theo tiến sĩ Varaby, người có độ tuổi từ 70 trở lên cũng không nên nhịn ăn bởi điều này có thể khiến cơ thể mất cơ – thứ vô cùng khó để duy trì khi tuổi đã cao.

Bên cạnh đó, nếu bạn mắc bất cứ loại tiểu đường nào, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện phương pháp ăn kiêng bởi chúng có thể không an toàn cho sức khỏe của bạn. Bỏ bữa sẽ dẫn đến hạ đường huyết khiến chóng mặt, ngất xỉu hoặc thậm chí ngã quỵ.

Hơn nữa, nếu bạn đang uống bất kỳ loại thuốc nào phải dùng trong một thời gian nhất định trong ngày, bạn cũng nên trò chuyện với bác sĩ trước khi thực hành chế độ ăn kiêng.

9. 6 tips dành cho người mới bắt đầu mô hình nhịn ăn gián đoạn

Trước khi áp dụng mô hình này, bạn nên hoàn thành những bước sau:

9.1. Lựa chọn loại hình phù hợp

Nếu như mục tiêu của bạn là giảm cân, bạn nên cân nhắc số cân bạn muốn giảm. Nếu con số này khá lớn, hãy thử nhịn ăn cách ngày. Dù khó nhằn hơn những phương pháp khác, nhưng theo bà Varady, cách này sẽ hiệu quả hơn.

Bạn có thể giảm một lượng cân nhất định trong vài tháng đầu, điều này giúp bạn phấn chấn và tiếp thêm động lực để bạn tiếp tục liệu trình của mình. Từ đây, khi cơ thể của bạn đã làm quen với loại hình giảm cân này, bạn có thể đổi sang cách khác phù hợp với mục tiêu ban đầu mà bạn đề ra.

9.2. Điều chỉnh thời gian

Khi tiếp tục liệu trình ăn uống này, bạn phải chọn khung thời gian để dùng bữa. Bạn có thể tự chọn bữa ăn phù hợp với nhu cầu bản thân. Nhiều khách hàng chia sẻ với cô Bauer rằng họ thực chất không cần ăn vào buổi sáng, nên họ có thể bắt đầu dùng bữa đầu tiên vào khoảng trưa, ăn xế, cuối cùng là ăn tối. Nhiều người chọn cách chia nhỏ 3 bữa ăn thành nhiều bữa phụ trong ngày hơn.

Nếu bạn chưa sẵn sàng để bắt đầu ngay thì bạn có thể thử nhịn ăn 12 tiếng, đây là cách dễ thực hiện nhất và tương đương với khung giờ bình thường nhất. Cách này không quá khắt khe, nhưng nó giải quyết vấn đề ăn đêm, song song đó giúp bạn xuống cân, giải quyết các vấn đề về giấc ngủ và ợ chua do ăn đêm gây nên.

9.3. Lên kế hoạch nhịn ăn có khoa học

Nhịn ăn có thể làm bạn cáu bẳn (bạn trở nên cau có và khó chịu do cảm thấy đói), mệt mỏi và đau đầu. Chuyên gia dinh dưỡng Susie chia sẻ, bạn nên chọn những ngày rảnh rỗi và thoải mái trong tuần để nhịn ăn, thay vì những ngày bận việc và cần một lượng lớn năng lượng.

Tương tự với những hoạt động đặc biệt (tiệc sinh nhật hay những dịp gặp gỡ khác), vì sẽ rất khó để nhịn ăn vào những ngày này khi thức ăn ngon luôn cám dỗ bạn. Bạn nên điều chỉnh lịch nhịn ăn phù hợp với lối sống của bản thân, đây là chìa khóa giúp bạn có thể áp dụng phương thức này lâu dài và hiệu quả.

9.4. Tiêu thụ thực phẩm giàu dinh dưỡng

Việc bạn có thể ăn tất cả mọi thứ mình muốn trong khoảng thời gian sau khi nhịn ăn không chính xác, đặc biệt là khi bạn muốn khỏe mạnh. Chuyên gia dinh dưỡng Bauer chia sẻ: “Nhịn ăn không phải là một sự thay thế cho việc ăn uống lành mạnh và tốt cho sức khỏe”.

Để có thể nạp lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, bạn cần tập trung ăn những loại thức ăn giàu chất đạm, chất xơ và có lượng carbohydrates thấp, cũng như ăn nhiều trái cây và hoa quả. Đừng quên uống thật nhiều nước để không bị mất nước trong ngày. Việc mất nước sẽ làm tăng khả năng bị đau đầu, một trong những tác dụng phụ của việc nhịn ăn.

9.5. Thay đổi khung thời gian ăn

Nếu bạn nhịn ăn theo một khung giờ nhất định, bạn không nhất thiết phải luôn nhịn trong 1 khung giờ cụ thể mỗi ngày. Bạn có thể thay đổi khung giờ phù hợp với hoạt động của bản thân. Ví dụ, nếu bạn có một buổi hẹn dùng bữa brunch với bạn bè, bạn có thể điều chỉnh khung giờ của mình sớm hơn một chút so với bữa trưa. Như vậy, bạn có thể duy trì chế độ ăn kiêng, nhưng vẫn vui vẻ và thoải mái.

9.6. Tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế

Những thắc mắc về nhịn ăn gián đoạn, liệu phương pháp này có dành cho bạn, phải ăn gì, làm sao để đạt được hiệu quả cao, đặc biệt là nếu như bạn có những bệnh lý nền. Trong những trường hợp đó, việc có một bác sĩ riêng, người có kiến thức chuyên môn về dinh dưỡng có thể hướng dẫn bạn đi đúng hướng an toàn, hiệu quả.

10. Những nguồn tài liệu thông dụng về nhịn ăn gián đoạn

Những quyển sách được yêu thích

  1. Fast. Feast. Repeat.

Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách này được bầu chọn là cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times. Tác phẩm này là những hướng dẫn cụ thể về cách lập nên thời gian biểu cho chế độ nhịn ăn gián đoạn sao cho phù hợp với cuộc sống của bạn. Bên cạnh đó, nó cũng giúp bạn thoát ra khỏi những hiểu lầm về nhịn ăn đã cản trở bạn hoàn thành mục tiêu của mình.

Trong cuốn sách này, tách giả sử dụng phương pháp “trì hoãn”, theo đó bạn có thể ăn các món ăn mà bạn thích nhưng phải vào những khoảng thời gian nhất định trong ngày.

2. Những gì bạn cần biết về nhịn ăn gián đoạn

Khi thực hiện nhịn ăn 5:2, 16:8 và nhịn ăn cách ngày, sẽ có lúc bạn không biết ăn gì mới đủ dinh dưỡng. Nếu vậy, đây chính là quyển sách mà bạn cần. Quyển sách này sẽ cũng cấp 100 công thức món ăn lành mạnh, ví dụ như món hạt chia kết hợp với ức gà nhồi rau bina. Nhờ đó mà quá trình giảm cân và ăn uống lành mạnh của bạn có thể diễn ra dễ dàng hơn.

3. Chế độ ăn hằng ngày: Một chế độ ăn giúp bạn ăn mọi thứ bạn muốn mà vẫn kiểm soát được cân nặng

Cuốn sách này sẽ hướng dẫn bạn cách thực hiện thành công chế độ nhịn ăn cách ngày. Tác giả của cuốn sách – nghiên cứu gia Varady sẽ dựa vào những kiến thức và số liệu cô ấy thu thập được trong những nghiên cứu, từ đó vạch ra một kế hoạch cụ thể. Kế hoạch này sẽ giúp bạn có thể kiểm soát cân nặng  theo phương pháp nhịn ăn gián đoạn một cách hiệu quả.

4. Hướng dẫn toàn diện về nhịn ăn gián đoạn

Đây là một cuốn sách rất nổi tiếng được gợi ý bởi bác sĩ y khoa Jason Fung – một người luôn ủng hộ việc nhịn ăn ngắt quãng và ăn ít carb. Cuốn sách này sẽ đem đến cho bạn một góc nhìn toàn diện về mặt tốt và mặt xấu của Nhịn ăn gián đoạn khi bạn bắt đầu thực hiện phương pháp này. Bên cạnh đó, tác phẩm này cũng hướng dẫn bạn làm sao để thực hiện phương pháp này và cách để theo dõi tiến độ.

Quyển sách điện tử được yêu thích

Giới thiệu về Nhịn ăn gián đoạn

Một cuốn sách bao hàm những thông tin bạn cần biết về nhịn ăn gián đoạn, những lợi ích mà liệu pháp này mang lại, giảm cân, chọn khung giờ phù hợp, và những điều bạn cần làm để bắt đầu quá trình thay đổi này. Đội ngũ chuyên viên dinh dưỡng đến từ Precision Nutrition – công ty giáo dục và định hướng dinh dưỡng đã tổng hợp thông tin và phát hành quyển sách điện tử này hoàn toàn miễn phí.

Podcast được yêu thích

Chương trình The Human Upgrade của Dave Asprey

Bạn lăn tăn không biết phải bắt đầu từ đâu? Diễn giả và tác giả khoa học Dave Asprey sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề này với chuỗi 9 tập bao gồm những thông tin chi tiết, cung cấp cho bạn nguồn kiến thức sâu rộng hơn về loại hình này. Qua từng tập, bạn sẽ được tiếp cận với các chủ đề khoa học, ví dụ như làm thế nào để có hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh hơn, liệu bạn có thừa cân không và việc nhịn ăn ảnh hưởng đến hóc-môn của phụ nữ như thế nào.

11. Những app được yêu thích

EatWise – Meal Reminder

iOS, Android; miễn phí

Đừng bỏ cuộc. Ứng dụng này sẽ giúp bạn lên lịch dùng bữa trong 1 ngày, kiểm tra thời gian giữa các bữa ăn, và nhắc nhở bạn thời gian ăn uống trong ngày. Ứng dụng này cũng có thể cập nhật quá trình giảm cân của bạn.

Fastic: Intermittent Fasting

iOS, Android; miễn phí, trả phí dịch vụ (phí thành viên là $11.99/tháng)

Ứng dụng này có mọi thông tin bạn cần để giúp bạn thực hiện quá trình này một cách thực tiễn hơn: Đồng hồ canh giờ nhịn ăn, bộ theo dõi lượng nước trong cơ thể và các kế hoạch dinh dưỡng. Thêm vào đó bạn có thể kết nối với người dùng khác để trao đổi các tip ăn kiêng hiệu quả.

Lưu ý:
Những nội dung đăng tải trên Watsup đều mang mục đích hỗ trợ độc giả. Vui lòng xem kỹ ngày của lần nội dung cập nhật gần nhất (nếu có) đồng thời không dùng những thông tin này để thay thế cho lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế của bạn.  

Related Posts