Sức khoẻ làn da

Rôm sảy là gì và điều trị thế nào?

rôm sảy hay còn gọi là ban đỏ

Phát ban nhiệt, còn được gọi là rôm sảy hoặc ban đỏ là hiện tượng rất phổ biến và có thể gây khó chịu cho người bệnh.

Tên y học của phát ban nhiệt là miliaria. Nó xảy ra khi mồ hôi ứ đọng ở lỗ chân lông do tắc nghẽn tuyến mồ hôi của da.

Phát ban nhiệt có thể dẫn đến tình trạng sưng viêm, mẩn đỏ và phồng rộp trên da. Đôi khi có thể gây nên nhiễm trùng cho người bệnh.

Người thừa cân và người dễ đổ mồ hôi có nguy cơ cao bị rôm sảy. Ngoài ra, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị bệnh này hơn vì tuyến mồ hôi chưa phát triển hoàn chỉnh.

Triệu chứng

Triệu chứng của phát ban nhiệt bao gồm:

  • Vết sưng hoặc đốm nhỏ trên da, thường gọi là sẩn.
  • Da có cảm giác ngứa hoặc châm chích.
  • Sưng nhẹ.
Triệu chứng của ban đỏ có thể là cái đốm nhỏ trên da.

Có thể nhận biết bằng cách quan sát các đốm nhỏ trên da. Trên nền da trắng, các đốm có màu đỏ. Trên da sẫm màu, chúng có thể khó nhìn thấy hơn. Tuy nhiên khi sử dụng phương pháp soi da (sử dụng một loại kính hiển vi có ánh sáng để kiểm tra da) thì vẫn có thể phát hiện nốt rôm sảy, các nốt này sẽ có dạng hạt cầu màu trắng dưới da với quầng sẫm màu xung quanh.

Phát ban nhiệt thường ảnh hưởng đến các khu vực có khả năng đổ mồ hôi nhiều, bao gồm:

  • Mặt
  • Cổ
  • Ở ngực hoặc ở chân ngực
  • Dưới bìu

Rôm sảy cũng có thể xuất hiện ở các vùng da có nếp gấp như kẽ nách, háng và những vùng da cọ xát nhiều với quần áo, chẳng hạn như lưng, ngực và bụng.

Vi khuẩn xâm nhập vào các tuyến mồ hôi bị bít tắt có thể dẫn đến viêm và nhiễm trùng.

Cách điều trị phát ban nhiệt

Phát ban nhiệt thường tự động mất đi trong khoảng 24 giờ. Nếu thấy rôm sảy xuất hiện, hãy di chuyển đến một khu vực mát mẻ, khô ráo và cởi bỏ quần áo cũng như các vật dụng có thể làm tăng tiết mồ hôi.

Phát ban nhiệt thường tự động mất đi trong khoảng 24 giờ.

Cách ngăn ngừa phát ban nhiệt:

  • Mặc quần áo cotton rộng rãi, thoải mái.
  • Tập thể dục ở nơi thoáng mát hoặc lúc thời tiết mát mẻ.
  • Nếu cơ thể nóng lên, nên đi tắm, mở quạt hoặc điều hòa không khí để giảm nhiệt của cơ thể.
  • Tránh mặc quần áo làm từ vải tổng hợp vì loại vải này không thấm hút mồ hôi tốt, có thể gây ra bí bách.
  • Tránh mặc quần áo ẩm ướt, sau khi bơi phải thay đồ để giữ cho cơ thể khô ráo.
  • Chườm lạnh, như chườm khăn ẩm hoặc quấn nước đá trong khăn và chườm lên vết phát ban khoảng 20 phút.
  • Dùng chăn và drap trải giường mỏng nhẹ.
  • Uống nhiều chất lỏng, tốt nhất là uống nước lọc, giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước.
  • Nếu rôm sảy gây ngứa, đừng gãi mà hãy vỗ nhẹ lên vết ban.

Dưới đây là các loại thuốc không kê đơn có thể giúp làm dịu và điều trị chứng phát ban nhiệt dai dẳng:

  • Các loại thuốc bôi – chẳng hạn như thuốc calamine, tinh dầu bạc hà, kem hoặc thuốc mỡ có chứa long não (camphor) sẽ giúp giảm ngứa. Khi dùng thuốc calamine nên kết hợp cùng chất dưỡng ẩm, vì calamine có thể làm khô da.
  • Kem bôi có chứa steroid có thể làm giảm ngứa và viêm, nhưng chỉ nên dùng với người trên 10 tuổi.
  • Các sản phẩm giúp kháng khuẩn hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng.

Các dạng rôm sảy

Có ba loại rôm sảy, gồm:

Rôm sảy kết tinh (Miliaria crystallina): Đây là dạng phổ biến nhất của rôm sảy. Nó gây ra các mụn nhỏ, trong hoặc trắng chứa đầy mồ hôi hình thành trên bề mặt da. Kích thước khoảng 1–2 mm. Rôm sảy không gây ngứa hoặc đau, thường gặp ở trẻ sơ sinh hơn người lớn.

Rôm sảy kết tinh là dạng phổ biến nhất.

Rôm đỏ (Miliaria rubra): Loại này thường được gọi là gai nhiệt, nó gây ra các vết sưng tấy và viêm nhiễm, nhưng vùng bị ảnh hưởng sẽ không tiết mồ hôi. Chúng xuất hiện ở các lớp sâu hơn dưới da và gây khó chịu hơn. Nếu các mụn nước có chứa dịch mủ thì rôm sảy sẽ có tên gọi khác là miliaria pustulosa.

Rôm đỏ còn được gọi là gai nhiệt.

Rôm sâu (miliaria profunda): Đây là loại rôm sảy ít phổ biến nhất. Nó hình thành ở lớp sâu nhất của da, có thể tái phát kéo dài và trở thành bệnh mãn tính. Nó gây ra các vết sưng khá lớn, sần cứng, có màu đỏ.

Rôm sâu là loại rôm sẩy ít phổ biến nhất.

Nguyên nhân gây phát ban nhiệt

Phát ban nhiệt hay còn gọi là rôm sảy, xảy ra khi các ống dẫn tuyến mồ hôi bị bít tắc.

Điều này có thể xảy ra do các nguyên nhân sau:

  • Tuyến mồ hôi chưa phát triển hoàn chỉnh ở trẻ sơ sinh.
  • Sinh sống trong môi trường nóng ẩm.
  • Hoạt động thể thao ở cường độ cao.
  • Sốt cao dẫn đến nổi ban.
  • Mặc quần áo làm từ vải tổng hợp, ôm sát vào da.
  • Đeo băng chống thấm bịt kín lỗ chân lông.
  • Nằm bất động trên giường trong thời gian dài.
  • Sử dụng một số loại thuốc gây kích ứng, đặc biệt là những loại thuốc làm giảm tiết mồ hôi.
  • Xạ trị
  • Do tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như hoại tử thượng bì nhiễm độc.

Khi nào nên đi khám?

Phát ban nhiệt thường tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, hãy đi gặp bác sĩ nếu có những tình trạng dưới đây:

  • Phát ban không tự hết hoặc có chuyển biến nặng hơn.
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như mụn nước bị lở hoặc xuất hiện mụn mủ.
  • Bị kiệt sức vì nhiệt và không còn đổ mồ hôi.
  • Có các triệu chứng khác, chẳng hạn như bị sốt.

Nhiều bệnh gây phát ban có thể trông giống như phát ban nhiệt. Bác sĩ có thể xác định nguyên nhân thật sự của các triệu chứng.

Chẩn đoán bệnh rôm sảy

Rôm sảy thường không nguy hiểm, nhưng nếu các triệu chứng kéo dài hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, hãy đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn. Họ thường sẽ kiểm tra những vùng da bị rôm sảy, hoặc có thể sử dụng phương pháp soi da để kiểm tra kỹ hơn.

Các bác sĩ cũng có thể làm sinh thiết da hoặc sử dụng công nghệ hình ảnh để xác định nguyên nhân da kích ứng và nổi rôm sảy. Vì có nhiều bệnh khác có thể gây kích ứng da, nên khi da bị nổi rôm sảy có thể là do các bệnh khác, bao gồm:

  • Nhiễm vi-rút gây bệnh, chẳng hạn như thủy đậu hoặc bệnh sởi.
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như bệnh chốc.
  • Phản ứng do dị ứng dẫn đến bệnh mề đay.
  • Bệnh nấm da, chẳng hạn như bệnh nấm candida.
  • Côn trùng cắn.
  • Viêm nang lông, do tắc nghẽn các nang lông.
  • HIV cấp tính.
  • Phản ứng khi điều trị HIV.

Nếu bất kỳ triệu chứng nào sau đây xảy ra thì có nghĩa là nguyên nhân gây nổi rôm sảy nghiêm trọng hơn:

  • Sốt
  • Ho
  • Sổ mũi
  • Mệt mỏi
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau cơ

Các biện pháp phòng ngừa rôm sảy

Để giảm nguy cơ bị rôm sảy hay phát ban nhiệt, hãy thử làm theo các biện pháp sau đây:

  • Tránh các hoạt động hoặc các nơi nóng ẩm làm tăng tiết mồ hôi.
  • Nếu có thể, hãy sử dụng máy lạnh hoặc quạt để làm mát.
  • Mặc quần áo nhẹ làm từ sợi tự nhiên, chẳng hạn như vải cotton.
  • Hãy hạn chế tối đa tiếp xúc với tiết trời nóng ẩm.
  • Nhẹ nhàng tẩy tế bào chết trên da để loại bỏ các tế bào chết và bã nhờn để tránh làm tắc nghẽn tuyến mồ hôi.
  • Tắm nước mát thường xuyên và thấm sạch nước để da khô hoàn toàn.

Kết luận

Rôm sảy là bệnh lý rất phổ biến, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và với những ai ở nơi có khí hậu nóng ẩm.

Bệnh thường tự khỏi mà không cần điều trị, tuy vậy bạn cũng có thể thử các biện pháp tại nhà để giảm bớt cảm giác khó chịu.

Nếu nghi ngờ rôm sảy ảnh hưởng đến các lớp da sâu hơn, hoặc nếu có dấu hiệu nhiễm trùng chẳng hạn như mụn nước, hoặc nếu tình trạng bệnh kéo dài hãy liên hệ chuyên gia để được thăm khám.

Có nhiều bệnh lý có thể gây ra phát ban giống như rôm sảy thông thường. Vì vậy nếu có các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt thì nên đi bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời.

Lưu ý:
Những nội dung đăng tải trên Watsup đều mang mục đích hỗ trợ độc giả. Vui lòng xem kỹ ngày của lần nội dung cập nhật gần nhất (nếu có) đồng thời không dùng những thông tin này để thay thế cho lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế của bạn.  

Related Posts