Sức khoẻ tâm lý

7 cách để vượt qua mất mát do COVID-19 khi nghỉ lễ

7 cách vượt qua mất mát do COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ

Đối với nhiều người, các ngày lễ thường gắn liền với niềm vui và hạnh phúc. Tuy nhiên, đối với vài người khác, những ngày lễ chỉ mang lại sự buồn bã và đau khổ vì phải chịu cảnh mất đi người thân, đặc biệt là trong năm nay.

 Camille Wortman, một tiến sĩ tâm lý đã về hưu của trường Đại học Stony Brook nói rằng “Đại dịch đã khiến nhiều người cảm thấy lo âu vì phải đối mặt với nỗi đau mất đi người thân, chứ không còn vì những mối lo âu thường thấy ngày trước, như tìm nơi giữ trẻ hay các vấn đề về tài chính”.

Tình trạng đau buồn, mất mát có thể trở nên trầm trọng thêm trong các ngày lễ. Tiến sĩ, nhà điều trị tâm lý và chuyên gia về não bộ Teralyn Sell nói rằng cảm giác đau buồn là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng stress.

Tiến sĩ Sell chia sẻ, “Năm vừa qua là một năm có nhiều mất mát, khiến nhiều người đau buồn. Kể cả những việc nhỏ như bị đảo lộn lịch trình làm việc thường ngày, hay phải tạm biệt một số đồng nghiệp cũng có thể ảnh hưởng đến tinh thần chúng ta”.

Cô còn nói thêm rằng, cơ thể của chúng ta phản ứng với tình trạng stress bằng cách sản sinh các hormone căng thẳng như cortisol và adrenaline, là hai loại hormone thường thấy ở những tình huống xảy ra đột ngột như trong một trận đánh nhau, hay ngồi máy bay.

Cơ thể của chúng ta phản ứng với tình trạng stress bằng cách sản sinh các hormone căng thẳng như cortisol và adrenaline.

Theo lời cô Sell: “Tuy nhiên, trước tình trạng dịch bệnh leo thang và nỗi đau buồn chồng chất, stress đã trở thành một căn bệnh kinh niên. Lâu dần, các hormone căng thẳng sẽ thay thế chỗ của các hormone sinh dục và làm các chất hoá học trong não bộ bị cạn kiệt như một cách để duy trì cân bằng”.

“Khi đó, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, choáng ngợp, dễ nổi cáu, khó ngủ hay nhiều dấu hiệu bất ổn khác. Một khi các triệu chứng trên bắt đầu diễn ra cũng là lúc hệ miễn dịch của bạn trở nên suy yếu, đây là điều mà không ai muốn phải đối mặt trong lúc dịch bệnh đang diễn ra như thế này”.

Nỗi mất mát do COVID-19 gây ra

Đối diện với việc người thân qua đời đã rất đau lòng, nhưng đối diện với việc mất đi người thương yêu trong lúc dịch bệnh diễn ra lại càng khó khăn hơn. Điều này có thể lý giải bằng việc chúng ta không thể gặp mặt người thân lần cuối đang nằm trong viện và làm lễ tang cho họ.

Tiến sĩ Wortman chia sẻ, “Vì chúng ta không thể chạy ngay đến bệnh viện để trao nhau những cái ôm và lời an ủi, nên người bệnh khó có thể nhận được sự yêu thương và nguồn sức mạnh cần thiết giúp họ mau chóng khỏi bệnh được”.

Tình trạng giãn cách xã hội lại làm cho cảm giác mất mát thêm tồi tệ.

Tiến sĩ Wortman bổ sung “Một trong những cách tốt nhất để giúp một người vừa mất đi người thân yêu nhất là ở bên cạnh, tiếp xúc và bầu bạn với họ. Tuy nhiên, giãn cách đã khiến cho việc này khó mà thực hiện được”.

Nỗi lo âu và mất mát mà cả xã hội đang phải đối mặt cũng khiến cho tình trạng đau buồn không ngừng tăng lên vì tất cả chúng ta đều đang trải qua những khoảng thời gian tồi tệ nhất, nên khó mà còn thừa năng lượng để hỗ trợ những người khác.

Tiến sĩ Wortman còn kể, “Một người mẹ đã chia sẻ với tôi câu chuyện của cô ấy: thường cứ cách vài ngày là con gái sẽ đến thăm bà. Giờ đây, khi chồng bà đã qua đời thì con gái của bà phải lo cho con nhỏ ở nhà, chồng con bé lại vừa mất việc làm, nên cô ấy không thể đến thăm bà như trước nữa”.

Thể hiện sự quan tâm đúng cách càng khó hơn khi nguyên nhân dẫn đến sự mất mát là COVID-19.

Thể hiện sự quan tâm đúng cách càng khó hơn khi nguyên nhân dẫn đến cái chết là COVID-19. Tiến sĩ Wortman chia sẻ rằng vì bản chất dễ lây lan của dịch bệnh COVID-19, nên chúng ta thường nói những điều nghe không mấy động viên lắm, chẳng hạn như:

  • Liệu lúc đó anh ấy có đeo khẩu trang không?
  • Cô ấy đã có triệu chứng trước đó hay chưa?
  • Anh ấy có tuân thủ lệnh giãn cách xã hội không?
  • Bạn nghĩ cô ấy bị lây nhiễm ở đâu?
  • Cô ấy sống được lâu như vậy là đã tốt lắm rồi.
  • Đầy người đang chết vì bệnh này cơ mà, ít nhất thì bạn cũng đâu có chịu đựng một mình.

Tiến sĩ Wortman cũng giải thích rằng: “Điều này cũng dễ hiểu thôi vì không ai trong chúng ta muốn bị nhiễm COVID-19, nên chúng ta thường có xu hướng tìm hiểu những người mà ta đã tiếp xúc qua. Tuy nhiên, cần hạn chế nói những câu tương tự như trên vì nó không hề mang tính động viên, mà đôi khi còn khiến cho tình trạng tệ thêm”.

Tiến sĩ cũng đề xuất một số cách biểu đạt mang tính động viên hơn như: “Việc này chắc hẳn đã rất khó khăn với bạn” hay “Tôi sẵn sàng lắng nghe câu chuyện của bạn”.

Helen Rogers Pridgen, phó giám đốc của các chương trình tại Tổ chức Phòng chống Tự tử Hoa Kỳ thể hiện sự đồng tình trước đề xuất này và nhấn mạnh rằng chúng ta chỉ nên quan tâm đến con người, chứ không phải là nguyên nhân gây ra cái chết của họ.

Cô chia sẻ thêm, “Những cách biểu đạt đơn giản như ‘Tôi rất tiếc vì sự mất mát của bạn, hãy nhớ rằng tôi luôn quan tâm đến bạn’, hay ‘Tôi xin chia buồn với bạn, hãy nhớ rằng bạn không hề cô đơn’ có thể chạm đến trái tim người đối diện nếu được bày tỏ một cách chân thành”. Cô cũng gợi ý một cách để thể hiện sự quan tâm của mình, đó là điện thoại hỏi thăm, gửi một tấm thiệp nhỏ, hay một bữa ăn để san sẻ nỗi đau.

Cô Pridgen nói thêm “Biết là chúng ta cần cho họ khoảng không gian riêng tư để vơi bớt nỗi đau, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cô lập họ hoàn toàn trong một thời điểm nhạy cảm như vậy”.

Mẹo để xua tan cảm giác mất mát trong những ngày giãn cách

Sau đây là một số mẹo giúp bạn vượt qua nỗi đau buồn ẩn dưới nhiều dạng khác nhau trong những ngày phải nghỉ vì dịch:

1. Lên kế hoạch từ trước

Tiến sĩ Wortman cho rằng chúng ta nên chủ động trong suốt những ngày nghỉ. Nếu bạn đã có kế hoạch gặp gỡ bạn bè thì nên nghĩ đến những tình huống không mong muốn có thể xảy ra để tránh rơi vào những tình huống như vậy.

“Lấy ví dụ như bạn sắp đến tham dự một buổi gặp mặt nho nhỏ, khi đó hãy nghĩ trước đến việc thông báo với người chủ của buổi gặp mặt là bạn không thể ở đến cuối buổi được. Điều đó sẽ giúp bạn cảm thấy đỡ áy náy hơn là phải thông báo rời đi khi buổi gặp mặt còn đang diễn ra”.

Việc lên kế hoạch từ trước còn giúp bạn điều khiển mọi thứ tốt hơn. Tiến sĩ Wortman chia sẻ, “Mọi thứ trở nên vượt tầm kiểm soát khi bạn mất đi người thân, và thế giới ngày nay càng có cảm giác vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta. Vì vậy, việc lên kế hoạch từ trước có thể giúp bạn biết được mình muốn và cần phải làm gì”.

2. Tưởng nhớ trước và sau kỳ nghỉ

Thay vì tưởng nhớ người thân đã qua đời trong những ngày nghỉ, hãy thử tổ chức một cách khác để tưởng nhớ họ trước và sau khi kỳ nghỉ diễn ra.

Tiến sĩ Wortman cho rằng mọi người có thể cùng viết một câu nói về điều họ thích ở người đó, và đọc lớn lên trong các buổi gặp mặt trực tuyến hay trực tiếp. Mọi người cũng có thể trao tặng đồ chơi cho các bệnh viện ở địa phương như một cách để tưởng nhớ những trẻ em đã qua đời.

Tiến sĩ Wortman chia sẻ: “Mỗi gia đình sẽ có một cách đặc biệt để tưởng nhớ người thân của họ. Điều cần phải nhấn mạnh ở đây đó là chúng ta nên tổ chức các buổi tưởng nhớ trước hoặc sau kỳ nghỉ. Điều này sẽ giúp xoa dịu cảm giác bất lực vì không thể thực hiện được trong giai đoạn giãn cách do dịch bệnh, cũng như không phải cố gắng tỏ ra vui vẻ trong khi ta vẫn còn nhớ về người đã khuất”.

3. Tạo nên những truyền thống mới

Trong khi nhiều người cảm thấy thoải mái làm những việc như trước đây, một số khác lại không thấy vậy.

Cô Pridgen chia sẻ: “Nếu việc duy trì những truyền thống gia đình bắt đầu trở thành gánh nặng đối với chúng ta thì hãy cân nhắc đến việc đổi mới chúng. Nếu cần, hãy dành một năm làm những gì không theo truyền thống, từ đó quyết định xem liệu bạn có muốn làm những việc đó hay không trong năm sau. Suy cho cùng, hãy chọn cách tận hưởng kỳ nghỉ sao cho phù hợp với bạn và gia đình nhất”.

Điều này cũng có thể được áp dụng nếu bạn đang cảm thấy đau buồn vì không thể ở cạnh người thân, bạn bè trong những ngày nghỉ vì dịch bệnh hay các nguyên nhân khác.

Tiến sĩ Sell nói rằng: “Việc mọi người cứ để mỗi ngày trôi qua trong nhàm chán là dễ hiểu thôi, tuy nhiên chúng ta nên có cách để làm mỗi ngày trôi qua thêm sống động bằng các cuộc gọi Facetime với bạn bè hay người thân, và hãy đảm bảo duy trì truyền thống gia đình ngay trong chính căn nhà của bạn để các ngày nghỉ thêm phần ý nghĩa”.

4. Giảm bớt các hoạt động không cần thiết

Tiến sĩ Wortman gợi ý rằng chúng ta có thể giảm bớt các hoạt động như nấu nướng, trao đổi thiệp, trang trí nhà cửa nếu nó khiến ta cảm giác như đang bị buộc phải làm các công việc nhà buồn chán. Như vậy, ta có thể tiết kiệm được nguồn năng lượng duy trì cho cảm xúc và cơ thể.

Tiến sĩ giải thích rằng: “Việc làm ít lại sẽ giúp chúng ta có cơ hội tập trung vào những việc quan trọng hơn như giữ liên lạc với mọi người và bày tỏ tình cảm với họ. Đôi khi chúng ta cần phải giảm bớt những hoạt động mang lại ít giá trị và gây xao nhãng”.

5. Thấu hiểu cảm xúc bản thân

Nỗi đau là một thứ vô hình, đến mà không báo trước, cũng không có kế hoạch diễn biến gì. Vì vậy, tiến sĩ Sell khuyên chúng ta hãy thoải mái đón nhận những cảm xúc tiêu cực ấy. Theo lời của cô, bạn hãy “nương theo bất cứ cảm xúc nào đến với mình”.

Tiến sĩ Wortman cũng đồng ý với điều này và cho rằng việc có những cảm xúc tiêu cực là khó có thể tránh khỏi trong kỳ nghỉ lần này. Vì vậy, đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào bản thân, mà hãy biết rằng bạn mình đã và đang làm rất tốt cho đến thời điểm hiện tại.

6. Nạp năng lượng cho cơ thể và não bộ

Tiến sĩ Sell chia sẻ rằng việc xác định được sự tác động của những cảm giác mất mát đến cơ thể là một cách giúp chúng ta có thể vượt qua nỗi đau.

Cô giải thích thêm: “Cơ thể của chúng ta luôn luôn gửi những tín hiệu. Thứ bạn cần làm là hiểu rằng những tín hiệu đó chính là sự phản ứng với cảm giác lo âu, dành thời gian mỗi ngày để thực hành các hoạt động giúp giảm stress như tập thể dục, ngủ, thiền tập, hay trò chuyện với bạn bè chẳng hạn”.

Cô Pridgen lại gợi ý chúng ta nên tạo những mục tiêu nhỏ hằng ngày, tạo cảm giác ‘thành công’ dù không cần nhiều công sức. Đồng thời, chúng ta cũng nên chia sẻ với những người xung quanh về kế hoạch chữa lành của bản thân để có thể nhận sự hỗ trợ từ họ.

Tiến sĩ Sell nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải đảm bảo lượng đường trong máu ổn định cả ngày bằng cách cung cấp protein cho cơ thể cứ mỗi 2 đến 3 giờ để đẩy lùi stress. Cô giải thích rằng: “Cách làm này sẽ giúp xoa dịu bớt cảm giác stress đè nặng cơ thể chúng ta, và giúp giữ cho suy nghĩ chúng ta đi đúng hướng và ổn định cảm xúc. Hơn nữa, protein còn là nguồn nguyên liệu tuyệt cho các phản ứng hoá học mang lại cảm giác vui vẻ như cách mà serotonin và dopamine hoạt động”.

7. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia

Nếu nỗi đau buồn mà bạn đang trải qua quá to lớn và dai dẳng, hãy tìm đến các chuyên gia về sức khoẻ tinh thần để có kế hoạch điều trị thích hợp nhất.

Tiến sĩ Sell chia sẻ rằng những nhóm hỗ trợ và các hội nhóm trên mạng xã hội đã giúp các bệnh nhân của cô rất nhiều trong đợt dịch vừa qua. Cô cũng khuyên chúng ta nên tìm đến sự giúp đỡ từ chuyên gia, nếu một mình bạn không thể đương đầu với những nỗi đau đang khiến cuộc sống chúng ta trở nên tồi tệ hơn.

Lưu ý:
Những nội dung đăng tải trên Watsup đều mang mục đích hỗ trợ độc giả. Vui lòng xem kỹ ngày của lần nội dung cập nhật gần nhất (nếu có) đồng thời không dùng những thông tin này để thay thế cho lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế của bạn.  

Related Posts