Sức khoẻ tâm lý

6 lầm tưởng về trầm cảm sau sinh

trầm cảm sau sinh

Khi hiểu đúng về các vấn đề sức khoẻ hậu sinh sản, các bà mẹ sẽ hiểu rõ hơn về tình trạng tâm lý của mình.

Chào đón một sinh linh mới là khoảng thời gian vui vẻ và hào hứng của cả gia đình. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ mang thai và bạn đời lại chia sẻ rằng trải nghiệm sau sinh của họ không được như mong đợi. Điều đó thường do một biến chứng hậu sinh sản phổ biến, gọi là trầm cảm sau sinh (postpartum depression – PPD).

Tỷ lệ những người đã trải qua việc sinh con và mắc bệnh trầm cảm không có một con số chính xác, thường dao động từ 6.5% đến 20%

Những lời đồn đại về cảm giác sợ hãi, lo lắng, quá tải và bối rối (thường xuất hiện cùng với trầm cảm sau sinh) có thể khiến các cặp cha mẹ không tiếp cận được sự hỗ trợ phù hợp.

Nếu bạn có các triệu chứng của trầm cảm sau sinh, bạn không hề đơn độc và cũng không phải là một “phụ huynh tồi”. Hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị vô cùng hiệu quả, giúp bạn kiểm soát các triệu chứng và cảm thấy hạnh phúc với thiên chức của mình.

Lầm tưởng 1: Phụ nữ mang thai khi mắc chứng trầm cảm sau sinh sẽ làm hại đứa trẻ

Phụ nữ mang thai khi mắc chứng trầm cảm sau sinh sẽ làm hại đứa trẻ

Sự thật: Trầm cảm sau sinh không khiến người mẹ làm tổn hại đến con của họ. Không phải tất cả những ai trầm cảm sau sinh đều có suy nghĩ muốn tự sát, còn những ý nghĩ về việc làm hại người khác thì không liên quan đến tình trạng này.

Những trường hợp thương tâm trên thời sự về việc người mẹ làm hại con thường là những trường hợp loạn thần sau sinh cực độ, chứ không phải bệnh trầm cảm sau sinh.

Ý tưởng giết con – một triệu chứng của rối loạn tâm thần sau sinh – thường bị nhầm lẫn với trầm cảm sau sinh. Rối loạn tâm thần sau sinh chỉ ảnh hưởng đến 2,6 trong số 1000 người sau khi sinh con, ít hơn nhiều so với tỉ lệ 1/8 của bệnh trầm cảm sau sinh.

Các triệu chứng thường gặp của chứng trầm cảm sau sinh là:

  • cảm giác buồn bã và thất vọng
  • lo lắng, xấu hổ, tuyệt vọng, tội lỗi
  • tâm trạng lên xuống thất thường
  • thiếu quyết đoán, lơ đãng, không thể tập trung
  • mệt mỏi thường xuyên
  • thay đổi khẩu vị

Đối với những người bị loạn thần sau sinh, ngoài các triệu chứng trên, còn có các triệu chứng nặng hơn như ảo giác, lú lẫn, hoang tưởng và nói năng lộn xộn.

Lầm tưởng 2: Chỉ những người mang thai mới có thể bị trầm cảm sau sinh

Chỉ những người mang thai mới có thể bị trầm cảm sau sinh

Sự thật: Khoảng 8% đến 10% bạn đời của người sinh con cũng mắc chứng trầm cảm sau sinh.

Họ có thể xuất hiện triệu chứng hơi khác so với bạn đời của mình, bao gồm việc hạn chế biểu lộ cảm xúc, thường xuyên cáu kỉnh và thiếu quyết đoán. Các triệu chứng phát triển từ 3 đến 6 tháng sau khi đứa trẻ được sinh ra.

Trầm cảm sau sinh có thể kéo dài một năm hoặc hơn đối với cả hai đối tượng trên.

Lầm tưởng 3: Trầm cảm sau sinh sẽ tự khỏi

Trầm cảm sau sinh sẽ tự khỏi

Sự thật: Trầm cảm sau sinh là một tình trạng sức khỏe tâm thần, cần được điều trị để kiểm soát các triệu chứng.

Xã hội của chúng ta có xu hướng coi trầm cảm là một loại rào cản tư duy cần phải “vượt qua”, hoặc nó đòi hỏi một sự thay đổi nhất định về thái độ. Trong một số trường hợp, tình trạng sức khỏe tinh thần đúng là có thể tốt hơn theo thời gian.

Tuy nhiên, khoảng 5% những người mắc trầm cảm sau sinh báo cáo rằng các triệu chứng của họ kéo dài đến tận hơn 3 năm. Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh có thể làm kiệt quệ tinh thần của những người mới làm cha mẹ, nhưng nếu được điều trị, bạn có thể sẽ cảm thấy tốt hơn nhiều chỉ trong một thời gian ngắn.

Việc điều trị cũng có thể giúp ích cho đứa trẻ vừa chào đời, bằng cách giúp chúng phát triển dạng thức gắn bó an toàn với cha mẹ.

Cả liệu pháp tâm lý (liệu pháp trò chuyện) và thuốc đều là những phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh rất thành công. Bạn nên liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm thần để thảo luận thêm về các triệu chứng, nhằm tìm ra phương pháp phù hợp nhất.

Bạn cũng có thể cân nhắc việc thiền, hoặc nói chuyện với một người bạn đáng tin cậy hoặc người thân yêu, để giúp hỗ trợ điều trị.

Lầm tưởng 4: Trầm cảm sau sinh là dấu hiệu cho thấy bạn đang hoặc sẽ là một bậc cha mẹ tồi

Trầm cảm sau sinh là dấu hiệu cho thấy bạn đang hoặc sẽ là một bậc cha mẹ tồi

Sự thật: Trầm cảm sau sinh không biểu thị cho kĩ năng nuôi dạy con cái của bạn.

Không ai cho rằng mình là một bậc cha mẹ tồi khi mắc bệnh tiểu đường hoặc cảm cúm cả, đúng không nào? Tương tự như vậy, trầm cảm sau sinh là một tình trạng sức khỏe tâm thần có thể điều trị được. Nó không thể hiện điều gì về khả năng làm cha mẹ của bạn cả trong hiện tại và tương lai. Việc bị trầm cảm sau sinh cũng không phải lỗi của bạn.

Lầm tưởng này tồn tại do những hiểu lầm về tình trạng sức khỏe tinh thần, cũng như những cách thức mà trầm cảm sau sinh có thể can thiệp vào mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Ví dụ, người mắc trầm cảm sau sinh có thể cho rằng nếu nếu mình yêu thương con thì đã không cảm nhận và hành động như lúc này.

Theo một nghiên cứu tổng quan vào năm 2015, sự phát triển của chứng trầm cảm sau sinh được thúc đẩy bởi một tập hợp đan xen các yếu tố sinh học và tâm lý xã hội. Hầu hết những yếu tố trên đều nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.

Bác sĩ hoặc các chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể giúp bạn trong việc đối mặt với chẩn đoán mắc trầm cảm sau sinh và tạo nên những phương pháp lành mạnh để chống chọi với căn bệnh này.

Lầm tưởng 5: Bạn sẽ tự biết mình bị trầm cảm sau sinh

Sự thật: Hầu hết chúng ta đều khá tệ trong việc tự chẩn đoán và thường bị cô đơn sau khi sinh, khiến người khác khó có thể giúp ta nhận ra mình có điều gì không ổn.

Những thay đổi trong hành vi và tâm trạng của bản thân có thể không rõ ràng đối với bạn như đối với người khác. Mặc dù cảm thấy kiệt sức và quá tải sau khi sinh con là một điều bình thường, tuy nhiên ảnh hưởng của trầm cảm sau sinh có thể dẫn đến những thay đổi tâm trạng mãnh liệt, sự tuyệt vọng và lo lắng vượt xa nỗi sợ hãi của một cặp cha mẹ bình thường.

Nếu bạn không chắc mình có mắc trầm cảm sau sinh hay không, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn hoặc bác sĩ nhi khoa của con bạn trong những buổi khám sức khỏe định kì. Bác sĩ có thể xác định xem liệu bạn có đang mắc phải trầm cảm sau sinh và đề xuất các lựa chọn điều trị phù hợp nhất với nhu cầu.

Lầm tưởng 6: Trầm cảm sau sinh xuất hiện trong những tuần đầu tiên làm cha mẹ

Trầm cảm sau sinh xuất hiện trong những tuần đầu tiên làm cha mẹ

Sự thật: Trầm cảm sau sinh có thể xuất hiện vài tháng sau khi bạn được gặp con.

Trầm cảm sau sinh thường bắt đầu xuất hiện vào thời điểm 3 đến 6 tuần đầu sau sinh, và có thể phát triển trong vài tháng sau đó. Các nghiên cứu đã phát hiện ra chỉ có 4,5% phụ nữ mang thai có dấu hiệu của trầm cảm sau sinh ở 6 tuần đầu sau sinh, nhưng đến gần 68,8% có dấu hiệu ở 4 tháng sau sinh.

Thời gian để các triệu chứng bắt đầu xuất hiện khác nhau ở mỗi người. Mặc dù đã vài tháng trôi qua kể từ khi bạn sinh con, bạn vẫn có thể đang trải qua những tác động của trầm cảm sau sinh

Tóm lại

Trầm cảm sau sinh là một tình trạng sức khỏe tâm thần. Bạn không phải là một bậc cha mẹ tồi khi bạn mắc trầm cảm sau sinh.

Cảm giác cáu kỉnh, tội lỗi, buồn bã và lo lắng kéo dài hơn 2 tuần sau sinh có khả năng là dấu hiệu của trầm cảm sau sinh. Nếu bạn tin rằng mình đang gặp phải các triệu chứng của trầm cảm sau sinh, hãy cân nhắc trao đổi với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được hỗ trợ.

Hiện nay, các phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh rất đa dạng, từ liệu pháp trò chuyện đến các loại thuốc khác nhau. Bác sĩ là người có thể giúp bạn chọn ra phương pháp phù hợp nhất. Vì thế, hãy cố gắng cởi mở với họ về việc bạn đang cảm thấy như thế nào và mọi việc đang ra sao ở nhà.

Lưu ý:
Những nội dung đăng tải trên Watsup đều mang mục đích hỗ trợ độc giả. Vui lòng xem kỹ ngày của lần nội dung cập nhật gần nhất (nếu có) đồng thời không dùng những thông tin này để thay thế cho lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế của bạn. 

Related Posts