Thông tin y tế

Hội chứng hậu COVID ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào?

Hội chứng hậu Covid ở trẻ em là một bài toán khó cho ngành y tế. Cùng Watsup tìm hiểu những phát hiện mới nhất về tình trạng này nhé.

Trong khi chương trình chăm sóc y tế hậu COVID của Yale chuyên điều trị cho bệnh nhi, các bác sĩ đang muốn tìm hiểu nhiều điều hơn.

Họ đang nghiên cứu để tìm lý do tại sao một số trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm COVID-19 lại hồi phục hoàn toàn, trong khi các em khác tiếp tục mắc di chứng hậu COVID, là tình trạng người bệnh mắc các triệu chứng mới, tái phát hoặc liên tục như “sương mù não” và mệt mỏi kéo dài. Câu hỏi tại sao một số trẻ em (cũng như người lớn) phải vật lộn với các vấn đề sức khỏe trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng vẫn chưa có lời giải đáp, khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.

Trong giai đoạn hậu COVID, nhiều trẻ em đột nhiên cảm thấy khó bắt kịp tiến độ bài tập ở trường hoặc phải ngừng chơi các môn thể thao. Có những bệnh nhi không thể ngủ được hoặc đi lại khó khăn, trong khi những trẻ khác thì đau nhức, khó thở, chóng mặt và mắc các triệu chứng đáng lo ngại khác.

Trong giai đoạn hậu COVID, nhiều trẻ em bị chóng mặt, khó thở.

Các bác sĩ của Viện Y học Yale (Yale Medicine) đang điều trị cho trẻ em bị COVID kéo dài, cũng như nghiên cứu nguyên nhân và các giải pháp khả thi cho hội chứng này trong Chương trình Chăm sóc Toàn diện Sau COVID cho Trẻ em tại Phòng khám Chuyên khoa Nhi ở Bệnh viện Nhi Yale quận New Haven. Chương trình tiến hành vào tháng 6 năm nay, là một trong số ít chương trình trên cả nước Mỹ chuyên điều trị các bệnh nhi có di chứng hậu COVID.

Các bác sĩ đã tiếp nhận những bệnh nhân còn rất nhỏ cho đến trẻ vị thành niên. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng khá đa dạng. Có những bệnh nhân thậm chí còn không biết bản thân mắc COVID cho đến khi xuất hiện các triệu chứng của hội chứng hậu COVID.

Cũng có những người bệnh đã được chẩn đoán mắc Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ (MIS-C), đây là tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng. Còn có trẻ mắc hàng loạt các triệu chứng dai dẳng hậu COVID-19 về thể chất, thần kinh và tâm thần.

Hậu Covid, nhiều trẻ bị ảnh hưởng tinh thần.

Tuy việc điều trị cho hội chứng COVID kéo dài ở trẻ vẫn còn dang dở, nhưng các bác sĩ cũng có những phương pháp để giúp cho người bệnh. Theo các nghiên cứu gần nhất, dưới đây là một số thắc mắc phổ biến mà phụ huynh đang có về tình trạng bệnh và câu trả lời cho các câu hỏi đó.

Hội chứng hậu COVID có thường gặp ở trẻ không?

Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), tính đến cuối tháng 10, gần 6,4 triệu trẻ em đã được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19 – nhưng các nghiên cứu về số trường hợp mắc bệnh COVID kéo dài ở trẻ em thì rất khác nhau. Địa lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi, tiến sĩ Carlos Oliveira cho biết: “Các nghiên cứu khác nhau đã cho ra những kết quả khác nhau, tùy thuộc vào khu vực trên thế giới hoặc khu vực của nước bạn đang xem xét.

Thiếu định nghĩa rõ ràng cũng là một vấn đề, hiện vẫn chưa có một tên gọi nhất quán cho căn bệnh này. Có người gọi là hậu COVID (COVID kéo dài), COVID-19 sau giai đoạn cấp tính và di chứng sau nhiễm cấp tính vi rút SARS-CoV-2 (“PASC”- post-acute sequelae of SARS-CoV-2 infection), nói một cách đơn giản thì thuật ngữ di chứng có nghĩa là triệu chứng còn lại sau khi đã khỏi bệnh”.

Tiến sĩ Oliveira nói: “Nếu tính tất cả những trẻ đã nhập viện vì MIS-C, (một biến chứng khi nhiễm COVID cấp tính), thì bạn sẽ thấy tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Tính đến ngày 4 tháng 10, đã có hơn 5.210 trường hợp mắc MIS-C và 46 trường hợp tử vong, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Ông cho biết thêm, chỉ một phần nhỏ trẻ em bị COVID kéo dài được chăm sóc y tế, điều này làm cho việc theo dõi tỷ lệ mắc bệnh rất khó khăn.

Cũng có thể vì trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi không phải lúc nào cũng có thể nói lên những gì mình đang cảm nhận, và vì lý do này mà vấn đề cũng trở nên phức tạp hơn. Ví dụ như các triệu chứng mệt mỏi cũng khiến trẻ nhỏ trở nên hiếu động thay vì làm các trẻ trở nên chậm chạp, khiến cha mẹ khó phát hiện ra vấn đề. Ông nói: “Do đó, chúng tôi chỉ xác định được ở những thanh thiếu niên vì họ có thể tự trình bày các triệu chứng của mình”.

Các triệu chứng hậu COVID ở trẻ em có khác với người lớn không?

Tiến sĩ Oliveira nói rằng trẻ em thường có các triệu chứng khác với người lớn, và không có triệu chứng tiêu biểu nào để dễ dàng nhận biết. AAP báo cáo rằng trẻ em và trẻ vị thành niên có tình trạng đau ngực, ho, khó thở do gắng sức làm việc (hoặc ‘thở thôi cũng mệt’), rối loạn khứu giác và vị giác (thường gặp hơn ở trẻ vị thành niên), và những triệu chứng khác.

Hậu Covid, trẻ em

Trẻ em và trẻ vị thành niên bị ảnh hưởng bởi biến chứng hậu COVID có tình trạng mệt mỏi, “sương mù não”, lo lắng, đau khớp, đau đầu và đau họng, và các triệu chứng khác – tất cả các triệu chứng đều có cường độ và thời gian khác nhau, có trường hợp kéo dài hàng tháng.

Tiến sĩ Ian Ferguson chuyên khoa thấp khớp của Yale Medicine hiện đang điều trị cho bệnh nhi mắc COVID kéo dài bị đau xương khớp. Tiến sĩ Ferguson nói: “Tôi thường thấy các bệnh nhân bị đau nhức toàn thân và sự suy giảm khả năng điều hòa cơ thể. Những bệnh nhi thường giải thích với bác sĩ như ‘Con chỉ cảm thấy đau nhức. Con cảm thấy không ổn.’ Có những trẻ tưởng chừng là khỏe mạnh thì nói, ‘Sáng thức dậy con không muốn rời giường.’

Covid kéo dài khiến nhiều trẻ mệt mỏi.

Cũng có những bệnh nhân nói, ‘Con từng ở trong đội việt dã của trường trung học. Nhưng bây giờ chỉ đi dạo phố thôi mà cũng phải dừng lại để nghỉ mệt” “Đôi khi cha mẹ mong muốn bác sĩ nhi khoa sẽ hiểu biết cặn kẽ về những triệu chứng… Nhưng, đây là một căn bệnh mới, và các bác sĩ vẫn đang tìm hiểu nó” – trích lời Tiến sĩ Carlos Oliveira, chuyên khoa Nhi truyền nhiễm.

Tiến sĩ Oliveira cho biết, một số trẻ gặp phải các triệu chứng nhẹ nhưng khi xét nghiệm chẩn đoán thì không phát hiện có gì bất thường. Ví dụ, một đứa trẻ có thể bị đau, mệt mỏi hoặc khó tập trung, nhưng khi chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu của chúng thì kết quả bình thường.

Ông nói: “Thông thường, chúng tôi gọi những triệu chứng này là ‘không giải thích được về mặt y tế’, nhưng rõ ràng chúng vẫn tác động nhiều đến sức khỏe của bệnh nhân. “Trẻ có thể không đi học được hoặc không thể đi lại, và chúng tôi không thể tìm ra lý do tại sao”.

Có tỷ lệ rất nhỏ ở trẻ em mắc các biến chứng nghiêm trọng, do COVID-19 có thể ảnh hưởng đến các cơ quan bao gồm não, tim, thận và gan — và bất kỳ cơ quan nào cũng đều có thể bị tổn thương nếu trẻ không được chăm sóc đúng cách. “Phòng khám sau COVID có nhiệm vụ phải xác định và điều trị những triệu chứng do tổn thương nội tạng còn sót lại,” Tiến sĩ Oliveira nói.

Viêm nhiễm có phải là nguyên nhân gây ra các di chứng hậu COVID ở trẻ em không?

Các chuyên gia vẫn đang cố gắng để tìm ra nguyên nhân gây ra COVID kéo dài ở trẻ em. Tiến sĩ Oliveira nói: “Giả thuyết chính – tôi nói là giả thuyết vì chúng ta vẫn chưa biết chắc chắn – là do sự tác động liên tục một số nguyên nhân gây viêm”.

Ông giải thích rằng có thể do biểu hiện khác nhau của COVID ở trẻ làm tăng khả năng bị viêm liên tục. Ví dụ, khi trẻ bị COVID, vi-rút có xu hướng tập trung ở ruột nhiều hơn ở phổi, sẽ dễ xảy ra các triệu chứng ở đường tiêu hóa hơn là đường hô hấp.

Bên cạnh đó, cơ thể của trẻ em cũng có thể mất nhiều thời gian để hoàn toàn sạch vi-rút hơn là ở người lớn, ông nói thêm. “Chúng tôi không hiểu rõ là tại sao, nhưng chúng tôi biết rằng khi chúng tôi xét nghiệm phân của trẻ vào ba hoặc bốn tháng sau khi nhiễm bệnh, chúng tôi vẫn sẽ tìm thấy dấu vết của vi-rút không lây nhiễm ở nhiều trẻ. Tuy vi-rút bất hoạt, nhưng dấu vết của vi-rút vẫn còn”.

“Bạn có thể xem kết quả các thí nghiệm… và ngay cả khi kết quả không thể hiện điều gì. Nhưng có thể là do hệ thống miễn dịch đã được kích hoạt cơ chế bảo vệ và gây ra những triệu chứng đó.” – theo Ian Ferguson, MD, một bác sĩ chuyên khoa thấp khớp của Yale Medicine

Những dấu vết của vi rút còn sót lại đó có thể tiếp tục gây ra viêm nhiễm. “Hệ thống miễn dịch sẽ tấn công những vi rút còn sót lại đó và gây ra viêm nhiễm, bởi vì nó không thể phân biệt được đâu là vi rút sống và đâu là dấu vết sót lại của vi-rút. Hệ thống miễn dịch chỉ nhìn thấy các kháng nguyên của vi-rút (các cấu trúc phân tử trên bề mặt của virus) và muốn tiêu diệt chúng”, Tiến sĩ Oliveira nói.

Ông nói giả thuyết cho rằng có thể ở một số trẻ mắc hội chứng hậu COVID, các kháng nguyên vi rút tiếp xúc liên tục với hệ thống miễn dịch và gây ra tình trạng viêm dai dẳng hoặc ngắt quãng ở mức độ nhẹ. Vì vi-rút còn sót lại không thể tự nhân lên thành nhiều vi-rút khác.

Ông cho biết thêm: “Loại viêm này tác động chậm trong một thời gian dài, không phải viêm cấp tính như MIS-C. Ông nói: Trong tình huống này, có thể hiệu quả nếu điều trị bằng thuốc chống viêm, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm.

Người ta ủng hộ giả thuyết trên vì một số triệu chứng hậu COVID thường sẽ thuyên giảm sau khi bệnh nhân được tiêm vắc-xin COVID-19 tăng cường các kháng thể giúp tiêu diệt các kháng nguyên vi-rút hiệu quả hơn.

Điều trị cho trẻ hậu COVID-19 như thế nào?

Vì không có triệu chứng điển hình hậu COVID ở trẻ em, do đó không có biện pháp điều trị kiểu mẫu nào phù hợp với tất cả bệnh nhân. Những bệnh nhi trong chương trình chăm sóc y tế của Yale thường mắc tổng hợp nhiều triệu chứng. Thông thường, sau khi đánh giá bệnh nhân hoàn tất, một hoặc nhiều bác sĩ có chuyên môn riêng sẽ phụ trách bệnh nhân.

Hậu COVID có thể ảnh hưởng đến các cơ quan và bộ phận khác nhau của cơ thể, vì vậy, ngoài các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở trẻ em, đội ngũ y tế còn có bác sĩ tim mạch, bác sĩ thần kinh, bác sĩ chuyên khoa phổi, bác sĩ thấp khớp, bác sĩ tâm lý và những người khác. Biện pháp chữa trị hiệu quả nhất khi tập trung điều trị từng tình trạng cụ thể.

Vì không có triệu chứng điển hình hậu COVID ở trẻ em, do đó không có biện pháp điều trị kiểu mẫu nào phù hợp với tất cả bệnh nhân.

Ví dụ, một đứa trẻ bị đau ngực và suy giảm khả năng vận động cơ thể sẽ được bác sĩ chuyên khoa tim mạch nếu trẻ có những vấn đề về nhận thức sẽ được khám bởi một bác sĩ chuyên khoa thần kinh.

Các chiến lược điều trị cũng được xây dựng dựa trên kinh nghiệm điều trị các bệnh có di chứng khác, chẳng hạn như mệt mỏi kéo dài sau khi bị bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (còn gọi là ‘mono’). Tiến sĩ Ferguson nói: “Trong lĩnh vực thấp khớp, chúng tôi gặp rất nhiều bệnh nhân bị đau nhức nhưng không lý giải được vì sao, chúng tôi coi đây là nền tảng khá hợp lý để nghiên cứu.

Nếu bạn xem kết quả thí nghiệm hoặc các chẩn đoán hình ảnh, và chúng không thể hiện bất cứ vấn đề gì. Triệu chứng của trẻ có thể là do hoạt động của hệ thống miễn dịch gây ra tại thời điểm nào đó. Vì thế, chúng tôi thường khuyến cáo ‘Cần tìm cách khôi phục lại sức khỏe của trẻ.’

Do đó khi bác sĩ tim mạch cho biết tim của bệnh nhân ổn định, thông qua kiểm tra nhịp thở thấy sự trao đổi oxy tốt. Bác sĩ có thể khuyến khích bệnh nhân tăng cường hoạt động thể chất bằng cách từ từ tập thêm các bài tập thể dục nhịp điệu và luyện tập cơ bắp.

Tiến sĩ Ferguson nói: “Vật lý trị liệu là một nguồn tài nguyên tuyệt vời vì các chuyên gia vật lý trị liệu không chỉ theo dõi tình hình bệnh nhân trong phòng khám mà còn cho bệnh nhân chương trình tập thể dục tại nhà để giúp họ dần hồi phục sức khỏe. “Chúng tôi dự đoán hầu hết mọi người sẽ có thể hồi phục sức khỏe ổn định — tuy vậy thời gian hồi phục của từng người thì chúng tôi không nói trước được.”

Điều gì giúp ích khi trẻ bị hậu COVID có các triệu chứng về sức khỏe tâm thần?

Trẻ em bị COVID kéo dài cũng thường gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần – mặc dù chưa rõ liệu đó có phải do ảnh hưởng trực tiếp của COVID-19 hay không. Tiến sĩ Linda Mayes, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em Yale (CSC), cho biết: “Nhu cầu chăm sóc sức khỏe hành vi của trẻ em đang tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là lo âu và trầm cảm không còn chỉ xảy ra ở trẻ em đã bị COVID,”.

“Chúng tôi chỉ thực sự chưa biết COVID tác động ra sao đến sự phát triển tâm lý nói chung.” Nhưng bất kể nguyên nhân ra sao, thì bác sĩ đều có cách điều trị, cô nói thêm.

Đối với những trẻ em có mong muốn, hay khó khăn về học tập, hoặc khó tập trung, các chuyên gia của CSC có thể làm việc với trường của trẻ để giúp điều chỉnh chương trình giảng dạy hoặc phương pháp giáo dục cho trẻ đó.

Nếu trẻ cần chăm sóc sức khỏe hành vi, chuyên gia sẽ điều trị tâm lý và cung cấp thuốc men nếu cần, đồng thời cũng trực tiếp thảo luận với cha mẹ và gia đình.

Điều trị tâm lý cho trẻ em gặp Covid kéo dài.

Tiến sĩ Mayes nói: “Không có việc nào kể trên là dành riêng cho chữa trị COVID. Ngày nào chúng tôi cũng làm những công việc như vậy. Điều quan trọng nhất cần biết là liệu những triệu chứng đó có trở nặng hơn ở trẻ em đã bị COVID-19 không?”.

Ngoài ra, các cố vấn của CSC có chiến lược để giúp trẻ em trong chương trình chăm sóc kiểm soát các triệu chứng ‘y tế không giải thích được’, bao gồm cả triệu chứng đau dai dẳng. Tiến sĩ Mayes nói rằng phương pháp phản hồi sinh học, liệu pháp hành vi nhận thức và kỹ thuật tỉnh thức đều hữu ích trong việc điều trị.

Bà nói: “Bất kể là triệu chứng do COVID hay rối loạn lo âu, thì chúng tôi có các phương pháp tiếp cận dựa trên cơ sở xác thực đã được thử nghiệm kỹ càng.

Trẻ bị COVID kéo dài cần điều trị trong bao lâu?

Không thể dự đoán thời gian hồi phục dài hạn với trẻ bị hậu COVID, vì các bác sĩ chỉ có một năm rưỡi kinh nghiệm về bệnh này. Nhưng may mắn là cho đến nay, những trẻ được điều trị trong chương trình đang tiến triển tốt, Tiến sĩ Oliveira nói. “Theo số liệu thì trẻ em thường hồi phục nhanh hơn so với người lớn, chỉ trong vòng vài tháng”.

Điều đó cho thấy rằng, một số bệnh nhân có thể tiếp tục cần theo dõi các vấn đề về tim và bác sĩ tim mạch có thể hạn chế một số hoạt động của bệnh nhi, cho đến khi chức năng tim của trẻ trở lại bình thường. Các bác sĩ khuyến khích bác sĩ nhi khoa và phụ huynh liên hệ với chương trình điều trị bệnh nhi hậu COVID của Yale nếu lo ngại COVID-19 ảnh hưởng đến thể chất hoặc tinh thần của trẻ em.

Ngay cả khi không chắc trẻ có bệnh hay không, thì vẫn cần điều tra những thứ liên quan mà ta chưa biết. Tiến sĩ Oliveira nói: “Đôi khi cha mẹ mong muốn bác sĩ nhi biết mọi thứ về bệnh này, có thể chẩn đoán và điều trị, ví dụ đơn giản như điều trị nhiễm trùng tai vậy. “Nhưng đây là một căn bệnh mới, và các bác sĩ vẫn đang trong quá trình nghiên cứu”.

Lưu ý:
Những nội dung đăng tải trên Watsup đều mang mục đích hỗ trợ độc giả. Vui lòng xem kỹ ngày của lần nội dung cập nhật gần nhất (nếu có) đồng thời không dùng những thông tin này để thay thế cho lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế của bạn.  

Related Posts