Lối sống khoẻ, Thông tin y tế

Rụng tóc và những điều cần biết

cách chữa rụng tóc

Rụng tóc (alopecia) là một tình trạng tương đối phổ biến ở cả nam lẫn nữ hiện nay. Mặc dù người lớn tuổi thường có nguy cơ bị rụng tóc cao hơn, nhưng nhìn chung, mọi lứa tuổi đều có khả năng gặp phải vấn đề này.

Theo Học viện Da liễu Mỹ (American Academy of Dermatology – AAD), trung bình mỗi ngày bạn sẽ mất từ 50 đến 100 sợi tóc – một con số này không đáng lo ngại. Sau khi tóc rụng, một lượng tóc mới sẽ mọc lên để thay thế cho số lượng tóc đã bị rụng nhằm đảm bảo độ dày ổn định cho tóc. Do đó, hiện tượng rụng tóc lúc này không gây ảnh hưởng nhiều bởi quá trình rụng tóc và mọc tóc diễn ra đồng thời. Tuy nhiên, trong trường hợp tóc rụng quá nhiều và không có dấu hiệu mọc lại tóc, đây chính là lúc ta không thể chủ quan.

Tình trạng rụng tóc có thể xảy ra từ từ hoặc một cách đột ngột. Tùy thuộc vào một số nguyên nhân nhất định mà bạn có thể bị rụng tóc trong một thời gian ngắn, hoặc bị rụng liên tục.

Vậy khi nào được gọi là rụng tóc nhiều và phương pháp nào có thể khắc phục tình trạng này? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc trên.

Những dấu hiệu và triệu chứng của rụng tóc

Triệu chứng thường thấy của bệnh này là rụng tóc nhiều hơn mức bình thường. Tuy nhiên, dấu hiệu này tương đối khó để nhận biết.

Triệu chứng thường thấy của bệnh này là rụng tóc nhiều hơn mức bình thường.

Vì vậy, để xác định bản thân có mắc bệnh rụng tóc hay không, bạn có thể dựa vào các dấu hiệu sau:

  • Đường ngôi rẽ ngày càng rộng: Nếu bạn thường rẽ ngôi tóc, bạn sẽ dễ nhận thấy được khu vực này ngày càng rộng ra. Điều đó đồng nghĩa với việc tóc bạn ngày càng mỏng đi.
  • Lùi đường chân tóc: Tương tự, nếu bạn nhận thấy đường chân tóc của mình cao hơn bình thường, đó có thể là dấu hiệu của rụng tóc.
  • Nhiều sợi tóc vướng vào lược: Hãy kiểm tra lược của bạn sau khi chải tóc. Nếu tóc vướng trên lược nhiều hơn bình thường, đó cũng có thể là dấu hiệu bạn đang đối mặt với tình trạng rụng tóc.
  • Xuất hiện những mảng hoặc các điểm hói trên da đầu: Những mảng này có thể xuất hiện quanh da đầu, đặc biệt là gần gáy, và phát triển và ngày càng rộng ra theo thời gian.
  • Tóc làm nghẹt cống: Bạn nhận thấy những sợi tóc mắc ở nắp lỗ thoát nước hay bồn rửa và gây nên tình trạng nghẹt cống tại nhà.
  • Đau hoặc ngứa ngáy da đầu: Nếu các vấn đề về da đầu gây nên tình trạng rụng tóc, bạn cũng có thể cảm thấy đau và ngứa ngáy ở vùng này.

Nguyên nhân gây nên rụng tóc

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng rụng tóc. Sau đây là một số nguyên nhân bạn cần lưu ý:

Rụng tóc nội tiết tố androgen

Rụng tóc nội tiết tố androgen

Rụng tóc nội tiết tố androgen được biết đến là một dạng rụng tóc có tính di truyền và liên quan đến nội tiết tố nam. Chứng rụng tóc này có thể gây nên tình trạng hói đầu ở nam và cả hói đầu ở nữ. Theo PubMed Central,  đây là dạng rụng tóc phổ biến nhất khi có khoảng 50% người trên thế giới mắc chứng này.

Chứng rụng tóc liên quan đến nội tiết tố androgen thường xảy ra dần dần theo năm tháng. Một số người có thể mắc chứng này trong thời kì dậy thì, trong khi một số lại có triệu chứng vào giai đoạn giữa lúc còn nhỏ và dậy thì (6-11 tuổi).

Rụng tóc ở phụ nữ thường sẽ khiến da đầu mỏng dần và làm cho phần rẽ tóc trở nên rộng hơn. Mặt khác, rụng tóc ở nam giới thường sẽ xảy ra ở vùng phía trên thái dương và tóc sẽ mỏng dần ở vùng đỉnh đầu, tạo ra một hình chữ M.

Rụng tóc từng mảng (Alopecia areata)

Rụng tóc từng mảng.

Rụng tóc từng mảng là một tình trạng rối loạn tự miễn khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể tấn công vào các nang tóc. Điều này dẫn đến rụng tóc ở một số vùng nhất định và gây nên các mảng hói từ nhỏ đến lớn khiến người bệnh khó nhận ra. Trong một số trường hợp, rụng tóc từng mảng có thể dẫn đến rụng tóc toàn bộ.

Bên cạnh tóc, những người mắc phải chứng rụng tóc từng mảng còn rụng luôn cả lông mày, lông mi hoặc lông ở một số vùng khác trên cơ thể.

Rụng tóc Anagen

Rụng tóc Anagen

Rụng tóc Anagen là tình trạng rụng tóc nhiều và liên tục, thường gây ra bởi quá trình xạ trị hoặc hóa trị. Tuy nhiên, tóc sẽ mọc lại sau khi những quá trình này kết thúc.

Rụng tóc Telogen (Telogen effluvium – TE)

Rụng tóc Telogen

Rụng tóc Telogen là một dạng rụng tóc do rối loạn đột ngột với đặc điểm nhận biết là tóc đồng loạt rụng vào một thời điểm bất kỳ. Chứng rụng tóc này được kích hoạt khi cơ thể hoặc tâm lí phải trải qua những biến cố như ốm nặng, phẫu thuật, trầm cảm hoặc một thời gian dài bị căng thẳng.

Tình trạng này cũng có thể gây ra bởi sự thay đổi về hormone vào các thời kì:

Một số tác nhân khác gây nên rụng tóc Telogen có thể kể đến như:

  • Suy dinh dưỡng.
  • Rối loạn nội tiết tố.
  • Bắt đầu hoặc ngừng sử dụng thuốc tránh thai.

Bên cạnh đó, những loại thuốc dưới đây cũng có thể dẫn đến tình trạng này:

  • Thuốc chống đông máu
  • Thuốc chống co giật
  • Retinoids (dạng viên nén và viên nang)
  • Thuốc ức chế beta (một loại thuốc điều trị tim mạch)
  • Thuốc kháng tuyến giáp

Tình trạng rụng tóc Telogen có thể phục hồi hoàn toàn nếu xác định và khắc phục được nguyên nhân gây bệnh.

Nấm da đầu

Nấm da đầu

Nấm da đầu là một tình trạng viêm do nấm, gây thương tổn tóc và nang tóc. Thông thường, da đầu bị nhiễm nấm sẽ khiến người bệnh luôn khó chịu và ngứa ngáy, từ đó xuất hiện vảy rải rác trên da đầu và lan rộng dần ra. Nếu không được điều trị sớm, da đầu có thể bị viêm nặng, nhiễm trùng và để lại sẹo vĩnh viễn.

Một số triệu chứng khác của nấm tóc:

  • Dễ gãy tóc
  • Da đầu mềm, ẩm và nhờn rít
  • Xuất hiện vảy xám hoặc đỏ tương tự như gàu và có thể bong ra

Nấm tóc có thể được điều trị bằng các loại thuốc kháng nấm. Tuy nhiên, bệnh nhân cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ bởi thuốc kháng nấm có thể ảnh hưởng tới gan, thận nếu sử dụng không đúng cách.

Rụng tóc do lực kéo (Traction alopecia)

Rụng tóc do lực kéo

Rụng tóc do lực kéo là một thuật ngữ phổ biến dùng để chỉ tình trạng rụng tóc bởi tác động lực kéo lên tóc trong một thời gian dài. Đây là tình trạng xảy ra khi bạn thường xuyên búi tóc chặt, buộc tóc đuôi ngựa hoặc tết tóc.

Một số nguyên nhân gây rụng tóc khác

Bên cạnh các tác nhân nêu trên, một số bệnh để lại sẹo như rối loạn da Lichen phẳng và Lupus ban đỏ cũng có thể dẫn đến tình trạng rụng tóc vĩnh viễn do tóc không thể mọc lại tại vùng sẹo.

Bệnh rụng tóc được chẩn đoán như thế nào?

Rụng tóc có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy tóc có bất kì thay đổi nào, hãy đến gặp chuyên gia y tế để nhận được chẩn đoán chính xác nhất.

Các chuyên gia y tế sẽ bắt đầu thu thập thông tin về bệnh sử và kết quả khám sức khỏe của bạn để tìm ra nguyên nhân rụng tóc.

Nếu nguyên nhân được cho là đến từ các bệnh tự miễn hoặc do các vấn đề về da đầu, các bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết da trên da đầu của bạn. Đây là quá trình mà bác sĩ sẽ lấy một mẩu da nhỏ trên đầu để xét nghiệm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng có thể thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra xem liệu nguyên nhân gây rụng tóc có phải đến từ sự thiếu hụt dinh dưỡng hay một căn bệnh tiềm ẩn hay không.

Mọc tóc là một quá trình phức tạp. Vì thế, nếu có bất kỳ thắc mắc hay nhận thấy dấu hiệu bất thường nào về tóc, hãy đến gặp bác sĩ ngay để có sự điều trị kịp thời.

Một số cách chữa rụng tóc

Hiện nay, đã có rất nhiều phương pháp khắc phục hiệu quả cho tình trạng rụng tóc. Tuy nhiên, phương thức hữu hiệu nhất là tìm ra nguyên nhân khiến bạn bạn rụng tóc và tiến hành điều trị.

Sử dụng thuốc có thể xem là bước đầu tiên và cơ bản trong liệu trình điều trị.

Những loại thuốc này thường là thuốc không kê đơn (over-the-counter – OTC) và có dạng kem bôi, gel, dung dịch hoặc bọt bôi trực tiếp lên da đầu. Hầu hết, các sản phẩm này đều chứa minoxidil – một thành phần giúp cải thiện quá trình mọc tóc.

Các loại thuốc kê đơn, chẳng hạn như Finasteride có công dụng đáng kể đối với chứng hói đầu ở nam giới. Việc dùng loại thuốc này hằng ngày sẽ giúp làm chậm quá trình rụng tóc và trong một số trường hợp, Finasteride còn hỗ trợ mọc tóc mới.

Bên cạnh đó, nếu tình trạng rụng tóc của bạn liên quan đến các bệnh tự miễn, bác sĩ cũng có thể kê đơn gồm các loại thuốc chống viêm như corticosteroid.

Các giải pháp y tế khác

Nếu việc sử dụng thuốc vẫn không cải thiện được tình trạng rụng tóc, các chuyên gia da liễu có thể gợi ý cho bạn một số giải pháp khác như:

Phẫu thuật cấy tóc

Cấy tóc là phương pháp sử dụng các nang tóc khỏe mạnh trên cơ thể để cấy ghép vào các vùng ít hoặc không có tóc trên da đầu. Thủ thuật này có hiệu quả đối với những người bị hói đầu do gen di truyền, bởi các bệnh nhân này thường bị rụng tóc trên đỉnh đầu. Do một số chứng rụng tóc có thể diễn ra trong một thời gian dài, người bệnh phải tiến hành phẫu thuật nhiều lần để đạt được hiệu quả như mong muốn.

Thay thế da đầu

Trong quá trình thay thế da đầu, bác sĩ sẽ lấy đi một phần da đầu ở vùng bị thiếu tóc của bạn, thay vào đó là một phần da khác có tóc.

Ngoài ra, phương pháp mở rộng mô cũng có thể hỗ trợ che phủ các vùng hói trên da đầu. Tuy nhiên, biện pháp này cần trải qua hai quy trình. Trong lần phẫu thuật đầu tiên, các bác sĩ sẽ đặt mô cấy giãn nhân tạo dưới phần da đầu có tóc và cạnh bên chỗ bị thiếu tóc. Sau vài tuần, các mô nhân tạo này sẽ giãn ra và kéo dài sang phần da đầu có tóc của bạn.

Trong lần phẫu thuật tiếp theo, các bác sĩ sẽ loại bỏ mô nhân tạo này và lấy phần da đầu vừa được mở rộng để đặt vào vùng thiếu tóc cạnh bên.

Biện pháp phòng ngừa rụng tóc

Dưới đây là một số các biện pháp bạn có thể thực hiện để giảm tình trạng rụng tóc:

  • Tránh các kiểu tóc gây tác động mạnh hoặc ép chặt tóc. Nếu bạn thường xuyên tết, búi tóc chặt hoặc buột tóc đuôi ngựa, hãy cố gắng nới lỏng để không gây quá nhiều áp lực lên tóc.
  • Không kéo, xoắn hay vò tóc.
  • Làm khô tóc bằng cách vỗ nhẹ. Sau khi gội đầu, bạn nên dùng khăn thấm nhẹ cho khô tóc và tránh vò tóc mạnh bằng khăn hoặc xoắn tóc trong khăn.
  • Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Cố gắng bổ sung nhiều sắt và protein vào các bữa ăn của mình.

Ngoài ra, các sản phẩm và dụng cụ tạo kiểu tóc cũng là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng rụng tóc. Vì thế, bạn nên hạn chế sử dụng các sản phẩm về tóc như:

  • Máy sấy
  • Lược chải tóc sử dụng nhiệt
  • Máy duỗi tóc
  • Thuốc nhuộm tóc
  • Thuốc tẩy tóc
  • Thuốc giữ nếp tóc
  • Thuốc duỗi tóc

Nếu bạn vẫn muốn sử dụng các sản phẩm trên để tạo kiểu tóc, hãy dùng khi tóc bạn hoàn toàn khô và điều chỉnh mức nhiệt thấp nhất có thể.

Sử dụng loại dầu gội có thành phần dịu nhẹ nếu bạn đang phải đối mặt với tình trạng rụng tóc. Bên cạnh đó, trừ khi bạn sở hữu một mái tóc rất dễ tiết dầu, bạn chỉ nên gội đầu cách ngày hoặc ít hơn.

Những điều cần lưu ý khi trao đổi với bác sĩ

Nếu bạn bị rụng tóc mà không rõ nguyên nhân, hãy đến gặp bác sĩ để nhận được sự chẩn đoán về các nguyên nhân tiềm ẩn và liệu trình chữa trị phù hợp nhất.

Trong khi trao đổi với chuyên gia, hãy đề cập đến các dấu hiệu mà bạn có thể nhận thấy như:

  • Mệt mỏi
  • Sụt cân
  • Phù tay chân
  • Sốt
  • Thay đổi bất thường trong quá trình đại tiện
  • Phát ban hoặc các thay đổi trên da đầu và các vùng da khác trên cơ thể.

Ngoài ra, bạn cũng nên cung cấp các thông tin như thời gian mọc tóc trung bình, tình trạng và các vấn đề về tóc của những thành viên trong gia đình. Những thông tin trên sẽ giúp ích rất nhiều đối với sự chuẩn đoán và lên kế hoạch chữa trị của các chuyên gia.

Lưu ý:
Những nội dung đăng tải trên Watsup đều mang mục đích hỗ trợ độc giả. Vui lòng xem kỹ ngày của lần nội dung cập nhật gần nhất (nếu có) đồng thời không dùng những thông tin này để thay thế cho lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế của bạn. 

Related Posts