Thông tin y tế

Hậu COVID: Cách giảm thiểu rủi ro

Hậu COVID: Cách giảm thiểu rủi ro

Sau khi khỏi bệnh COVID-19, nhiều người gặp phải các triệu chứng hậu COVID như sương mù não, mệt mỏi và phát ban trên da. Các nhà nghiên cứu vẫn đang trong giai đoạn đầu tìm hiểu nguy cơ của các triệu chứng này.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), triệu chứng hậu COVID là các vấn đề sức khỏe liên quan đến COVID-19 kéo dài từ 4 tuần trở lên kể từ khi bắt đầu nhiễm.

Kể cả khi bạn không có triệu chứng trong thời gian mắc bệnh, bạn vẫn có thể bị hậu COVID. Các triệu chứng có thể kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng.

Nghiên cứu cho thấy rằng ít nhất 54% những người mắc COVID-19 có các triệu chứng hậu COVID. Theo phân tích năm 2021, các triệu chứng phổ biến nhất ở những người bị hậu COVID bao gồm:

● 62.2% bệnh nhân bị các triệu chứng về hô hấp và tim

● 44% bệnh nhân bị suy giảm chức năng

● 37,5% bệnh nhân bị kiệt sức hoặc cơ bắp bị yếu đi.

● 32,4% bệnh nhân cảm thấy đau đớn.

●  29,6% bị rối loạn lo âu

● 27% rối loạn giấc ngủ

● 23,8% khó tập trung

Các triệu chứng khác bao gồm:

sương mù não

đau đầu

viêm da

sốt

rối loạn khứu giác hoặc vị giác

●  tiêu chảy

Các nghiên cứu về nguy cơ mắc hậu COVID đang được thực hiện.Trang MNT đã tóm tắt một số ý chính của các nghiên cứu này, đồng thời gặp gỡ nói chuyện với ba chuyên gia nhằm tìm ra những cách tốt nhất để hạn chế  nguy cơ mắc hậu COVID.

Nguy cơ mắc hậu COVID

Một nghiên cứu  đã quan sát tình trạng sức khỏe của 309 người trong 2-3 tháng sau khi mắc SARS-CoV-2, từ đó đưa ra 4 yếu tố làm tăng nguy cơ mắc triệu chứng hậu COVID ở người bệnh:

● Có lượng vi-rút trong máu cao hơn.

● Một số tự kháng thể (protein miễn dịch) tấn công nhầm tế bào của chính cơ thể.

Vi-rút Epstein-Barr (EBV) tái hoạt động

● Mắc bệnh tiểu đường loại 2

Người bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc hậu COVID cao hơn.

Tuy nhiên, tác giả của các nghiên cứu cũng lưu ý rằng chưa thể kết luận chắc chắn nguyên nhân. Bên cạnh đó, mẫu nghiên cứu cũng khá hạn chế để đưa ra dự đoán cụ thể.

Dù vậy, các nghiên cứu khác vẫn cho thấy các phát hiện trên đúng sự thật. Đơn cử là một nghiên cứu phát hiện rằng SARS-CoV-2 có thể tái kích hoạt EBV, dẫn đến các triệu chứng hậu COVID. Khoảng 95% dân số thế giới mang trong mình vi-rút EBV, chủ yếu bất hoạt và không xuất hiện triệu chứng.

Một nghiên cứu khác cũng nhận thấy rằng người cao tuổi, phụ nữ, người có bệnh nền có nguy cơ cao mắc hậu COVID.

“Các yếu tố nguy cơ lâm sàng có liên quan đến mức độ nặng của bệnh, thời gian nằm viện, độ tuổi tại thời điểm nhiễm bệnh và các bệnh nền, chẳng hạn như bệnh phổi, hen suyễn, bệnh tiểu đường, v.v., ”Giáo sư Elizabeta Mukaetova-Ladinska, một giáo sư tâm thần học người già tại Đại học Leicester ở Vương quốc Anh, nói trên trang Medical News Today.

“Do đó, mức độ nặng khi nhiễm SARS-CoV-2 có thể làm tăng nguy cơ mắc hậu COVID lên gần gấp bốn lần, nếu bệnh nhân đã có bệnh phổi và hen suyễn từ trước sẽ làm tăng khả năng lên tương ứng là 6 và gần 10 lần, bên cạnh đó tuổi tác cũng làm tăng rủi ro thêm 67%,” cô nói thêm.

“Ngoài ra, hội chứng hậu COVID cũng được ghi nhận nhiều ở phụ nữ dưới 50 tuổi. Trong đó, độ tuổi ảnh hưởng nhiều hơn, có thể là do một số trùng lặp các triệu chứng hậu COVID với các triệu chứng của thời kỳ tiền mãn kinhmãn kinh,” cô giải thích.

Giáo sư Mukaetova-Ladinska nói thêm, đối với bệnh nhân có mức độ kháng thể immunoglobulin (Ig) IgM và IgG3 thấp, cộng với các yếu tố nguy cơ lâm sàng kể trên có thể làm tăng nguy cơ mắc hậu COVID.

Cô nói rằng có nghiên cứu phát hiện tình trạng loạn khuẩn đường ruột cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc hội chứng hậu COVID: “Cụ thể, những bệnh nhân mắc COVID-19 có hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh hoặc tương tự thì ít có khả năng mắc hậu COVID, ngược lại thì những người mắc hội chứng hậu COVID có hệ vi sinh đường ruột ít dồi dào, ít đa dạng hơn. ”

Tác dụng của tiêm phòng đối với triệu chứng hậu COVID

Khi trả lời trang MNT về các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra khi bệnh nhân mắc hậu COVID, Tiến sĩ Donald J. Alcendor, trợ lý giáo sư về bệnh học, vi sinh và miễn dịch học tại trường Y Đại học Vanderbilt cho biết: “Đối tượng dễ mắc hậu COVID là người chưa tiêm ngừa, sau đó bị nhiễm COVID-19, đồng thời có một hoặc nhiều bệnh nền.”

“Các nghiên cứu cho thấy rằng tiêm ngừa sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc hội chứng hậu COVID. Ngay cả khi chỉ tiêm một liều vắc-xin COVID-19 sau khi nhiễm bệnh cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc các triệu chứng hậu COVID.” – theo Tiến sĩ Donald J. Alcendor

“Những người đã được tiêm ít nhất một trong ba loại vắc xin COVID-19 gồm Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson – trước khi nhiễm COVID-19 thì khả năng có các triệu chứng hậu COVID so với những người không được chủng ngừa sẽ ít hơn 7–10 lần,” ông nói thêm.

Vaccine sẽ hạn chế hậu COVID.

Tuy nghiên cứu mà Tiến sĩ Alcendor trích dẫn vẫn chưa được bình duyệt, nhưng các nghiên cứu khác xuất bản trên các tạp chí được bình duyệt cũng ủng hộ những tuyên bố này.

Ví dụ như một nghiên cứu được xuất bản trên tập san y khoa The Lancet: Bệnh truyền nhiễm vào tháng 1 năm 2022 đã phát hiện ra rằng tiêm ngừa hai liều làm giảm một nửa tỷ lệ mắc các triệu chứng COVID-19 trong khoảng 28 ngày hoặc hơn sau lần nhiễm đầu tiên.

Tiến sĩ Alcendor cũng cảnh báo thêm về nguy cơ với trẻ em: “Chúng ta phải nhớ rằng dù hiếm khi chuyện này xảy ra, nhưng trẻ em cũng có thể mắc các triệu chứng hậu COVID, những cá nhân bị nhiễm sau miễn dịch hoặc nhiễm COVID không triệu chứng cũng vậy. Tuy nhiên, một số người mắc di chứng COVID cũng sớm hồi phục sau khi được tiêm chủng”.

Thông cáo báo chí từ Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh ủng hộ ý kiến của ông. Trong đó, bài nhấn mạnh một đánh giá gần đây về 15 nghiên cứu và kết quả cho thấy rằng những người đã tiêm chủng ít có khả năng bị di chứng COVID hơn so với những người không tiêm.

Giảm thiểu các di chứng hậu COVID

Tiến sĩ Janis Orlowski, giám đốc chăm sóc sức khỏe tại Hiệp hội các trường Cao đẳng Y khoa Hoa Kỳ, nói với MNT về những cách mà mọi người có thể làm để giảm thiểu nguy cơ mắc hậu COVID như sau: “Hãy chăm sóc bản thân thật tốt. Nếu bạn là người bị tiểu đường, hãy cố gắng duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường, tập thể dục và chú ý sức khỏe tổng quát. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu nhiều hơn nữa về vấn đề này trong thời gian tới”.

Với câu hỏi tương tự, Tiến sĩ Alcendor một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng: “Chiến lược quan trọng nhất giúp giảm di chứng hậu COVID là tiêm chủng và tiêm các mũi tăng cường. Đối với những trường hợp chống chỉ định tiêm chủng vắc-xin thì họ nên tuân thủ các quy định của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên”.

“Đối với những người không thể tiêm vắc-xin, việc thực hiện những điều nêu trên rất quan trọng khi ở trong nhà hoặc những nơi đông đúc, kém thông gió. Các thành viên khác trong gia đình cũng nên được tiêm ngừa nếu đủ điều kiện hoặc thực hiện các quy trình cần thiết để giảm thiểu bệnh nếu họ không đủ điều kiện hoặc vẫn chưa được tiêm chủng”, ông nói thêm.

Giáo sư Mukaetova-Ladinska nói rằng chúng ta vẫn đang trong giai đoạn đầu tìm hiểu các triệu chứng hậu COVID, nên những phương pháp điều trị và giảm thiểu di chứng chủ yếu dựa trên các chiến lược dành cho bệnh mãn tính hoặc các hội chứng sau vi-rút khác.

Do COVID-19 để lại cho người nhiễm hàng loạt các triệu chứng nên cô đã nhấn mạnh điều trị đa mô thức là rất quan trọng, cần áp dụng đa dạng các liệu pháp vận động,vật lý trị liệu, hỗ trợ sức khỏe tinh thần và các biện pháp can thiệp y tế.

Giáo sư Mukaetova-Ladinska cũng lưu ý rằng, hiện đang có những công trình tìm hiểu một số biện pháp mới để giảm thiểu và kiểm soát triệu chứng hậu COVID.

“Có biện pháp can thiệp điều trị mới bao gồm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột nhằm giảm bớt và thậm chí bình thường hóa các di chứng COVID  Dựa trên các nghiên cứu trước đây, biện pháp này có thể thực hiện được bằng cách cho bệnh nhân hấp thụ nhiều chất xơ, ăn thực phẩm thực vật ít choline, trái cây và rau quả, thực phẩm chứa prebiotic, omega-3 chống viêm, phối hợp nhu động ruột đều đặn, nhịn ăn gián đoạn,v.v. ”

Cuối cùng, Giáo sư Mukaetova-Ladinska cảnh báo không nên dùng thuốc điều trị hậu COVID mà không hỏi ý kiến của chuyên gia y tế.

“Nhiều người bị các triệu chứng hậu COVID đã tìm kiếm thông tin và các biện pháp điều trị ngoài ngành y tế. Vấn đề này phần lớn là do thiếu thông tin và hiểu biết về di chứng COVID-19, hoặc khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế bị hạn chế”, cô nói.

“Cũng dễ hiểu vì sao vấn đề trên lại xảy ra, với tình hình mạng xã hội được sử dụng rộng rãi như hiện nay, mọi người dễ tiếp xúc với các loại thuốc không kê đơn, và đôi khi gặp phải thuốc đắt tiền, có thể có thuốc gây hại cho sức khỏe, người ta cũng dễ tiếp xúc với các thông tin gây nhầm lẫn”. Giáo sư kết luận rằng cần phải hiểu rõ các phương pháp tự quản hậu COVID hiện tại, nhất là lợi ích và tác hại của chúng, và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn sẵn có.

Lưu ý:
Những nội dung đăng tải trên Watsup đều mang mục đích hỗ trợ độc giả. Vui lòng xem kỹ ngày của lần nội dung cập nhật gần nhất (nếu có) đồng thời không dùng những thông tin này để thay thế cho lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế của bạn.  

Related Posts