Sức khoẻ tâm lý

Mạng xã hội: Làm sao để giảm tác động xấu?

Bài viết này là cuộc phỏng vấn giữa tiến sĩ Sharon Levy và con trai của cô – Isaiah Levy, một sinh viên đại học – về quan điểm của cậu trước những tác động của mạng xã hội đến giới trẻ.

Không thể tin rằng chúng ta đã từng sống mà không có mạng xã hội (điều mà giới trẻ càng không thể nào tưởng tượng nổi), nhưng nhờ đó mà chúng ta đã phát triển nhanh chóng đến ngày hôm nay.

Con người sinh ra vốn mang tính xã hội cao. Khi chúng ta tương tác với những người xung quanh, não bộ sẽ tự động tiết ra chất dopamine, và chất này sẽ tác động đến Hệ thống Củng Cố trong não (Brain’s Reward system) khiến ta có xu hướng tiếp tục lặp lại hành vi đó trong tương lai. Cho đến dạo gần đây, vòng lặp phản hồi đó vẫn còn phù hợp với sinh lý con người và rất khó thay đổi.

Mạng xã hội hiện nay đã rất phổ biến.

Thế nhưng, mạng xã hội đã thay đổi mọi thứ kể từ khi nó cho phép con người tương tác mà không bị giới hạn. Chính sự không giới hạn này đã thôi thúc con người có khuynh hướng tương tác mạnh mẽ hơn nữa, như khi thèm ngọt thì phải ăn kẹo hay trái cây chín. Nhưng giống như việc ăn quá nhiều đường tinh luyện sẽ ảnh hướng xấu đến sức khoẻ, lạm dụng mạng xã hội cũng sẽ tác động tiêu cực không nhỏ đến sức khoẻ, đặc biệt là về mặt tinh thần của con người.

Không kể đến khối lượng thông tin lớn, các tương tác trên mạng về bản chất là hoàn toàn khác với những cuộc gặp mặt trực tiếp. Trước hết, các nền tảng mạng xã hội đã tạo nhiều cơ hội để người dùng có thể tương tác với các nội dung được đăng tải, và các tương tác đó sẽ trở thành những chỉ số phản hồi mang tính khách quan đối với người sáng tạo nội dung.

Mặt khác, vì không có một giới hạn nào được đặt ra với những lượt tương tác này nên đôi khi những người sáng tạo nội dung sẽ không thấy thoả mãn với lượng phản hồi mà mình nhận được. Chính cảm giác không hài lòng cùng với áp lực do bị đánh giá bởi người khác, hay cảm giác bị cô lập đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ tinh thần của người dùng mạng xã hội.

Mạng xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ tinh thần.

Để tìm hiểu quan điểm của một người được sinh ra và lớn lên trong thời đại kỹ thuật số, tôi xin nhường lại cho con trai mình – Isaiah Levy, sinh viên ngành khoa học máy tính tại Đại học New York – trả lời cho những câu hỏi được đặt ra về mạng xã hội.

Những lợi ích mà mạng xã hội mang lại là gì?

Xét về mặt lý thuyết, mạng xã hội có khả năng kết nối con người ở quy mô toàn cầu, xuyên biên giới. Không dừng lại ở đó, những nền tảng mạng xã hội phổ biến còn là một sân khấu tiềm năng với hàng nghìn khán giả theo dõi từ khắp mọi nơi. Mạng xã hội hiển nhiên trở thành một mảnh đất giàu tiềm năng dành cho những ai mong muốn được biết đến.

Hầu hết các mối quan hệ trên mạng xã hội đều chỉ là phiên bản mở rộng của những mối quan hệ ngoài đời thực.

Tuy nhiên, hầu hết các mối quan hệ trên mạng xã hội đều chỉ là phiên bản mở rộng của những mối quan hệ ngoài đời thực, và nhiều người đã kết thêm được nhiều bạn mới kể khi sử dụng mạng xã hội. Theo một khảo sát được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew, phần lớn những bạn trẻ sử dụng Instagram đều đồng ý rằng ứng dụng này đã giúp họ mở rộng mối quan hệ với những người quen xung quanh (phần lớn là các bạn học trên lớp).

Tại sao Instagram lại phổ biến với giới trẻ?

Instagram được tạo nên từ những thuật toán tinh vi bởi những chuyên gia phát triển web và thiết kế đồ hoạ với mục đích là tạo ra một giao diện hấp dẫn người dùng, khiến bạn phải tương tác với một lượng nội dung khổng lồ của nó mọi lúc mọi nơi. Theo một khảo sát được thực hiện bởi Facebook (công ty sở hữu Instagram), các bạn trẻ xem Instagram như một ứng dụng thịnh hành, thân thiện, bắt kịp xu hướng và đầy tính sáng tạo.

Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng Instagram đã giúp định hình con người của các bạn và giúp họ tạo sự kết nối sâu rộng hơn với những người quen. Hơn thế nữa, Instagram còn giúp các bạn trẻ cảm thấy bản thân trở nên quan trọng và có một vị trí cao trong xã hội thông qua những lượt tương tác (like, comment, share,…) từ những người dùng khác.

Instagram là mạng xã hội rất phổ biến với giới trẻ.

Tuy nhiên, việc muốn có thêm sự chú ý cũng là một mặt trái của Instagram. Khảo sát từ Trung tâm Nghiên cứu Pew về vấn đề trên cho thấy hơn 1/3 các bạn trẻ sử dụng Instagram nói rằng các bạn cảm thấy áp lực khi phải đăng bài làm sao để thu hút được nhiều lượt thích và bình luận nhất, và hơn 40% trong số đó cảm thấy áp lực khi chỉ dám đăng tải những hình ảnh đẹp nhất của họ.

Theo những khảo sát nội bộ từ Facebook, hơn 13% những cô gái trong độ tuổi teen cho rằng Instagram làm trầm trọng thêm những ý định tự tử của họ, và 17% số khác nói rằng việc sử dụng Instagram khiến chứng rối loạn ăn uống của họ trở nên tệ hơn.

Trong lúc chờ đợi Chính phủ ban hành các đạo luật về mạng xã hội, bạn có thể làm gì để bảo vệ sức khoẻ tinh thần của mình?

Chính phủ cần ban hành luật về mạng xã hội để bảo vệ quyền tự do thể hiện của người dùng và giảm những rủi ro cho đối tượng trẻ em khi sử dụng mạng xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần cân nhắc đến việc kiểm soát những thuật toán nâng cao mà các tập đoàn sử dụng với mục đích tăng thời gian sử dụng mạng xã hội của người dùng, qua đó tăng lợi nhuận thu được.

Ví dụ như chức năng “infinite swiping” (tạm dịch: “vuốt không ngừng nghỉ”) được thiết kế để liên tục hiển thị những nội dung mới sau khi người dùng đã xem hết nội dung mà những người họ theo dõi đăng tải. Đây là một chiến lược phát triển gây ra nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.

Cũng giống như dùng chất gây nghiện, chức năng “vuốt không ngừng nghỉ” sẽ kích thích Hệ thống Củng cố trong não bộ chúng ta. Dần dần, não bộ sẽ thay thế những thói quen tự nhiên bằng việc sử dụng mạng xã hội, khiến con người ngày càng xa rời những hoạt động xã hội có ý nghĩa và cần thiết hơn. Đặc biệt, những người dùng trẻ tuổi là nhóm đối tượng dễ có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Vậy nên, việc Chính phủ ban hành luật xoay quanh các thuật toán sẽ giúp người dùng có một trải nghiệm tích cực và cân bằng hơn.

Infinite swiping là hành động thường gặp khi dùng mạng xã hội.

Mặc dù việc ban hành luật để kiểm soát các thuật toán là rất khó vì không thể nào phân loại rõ ràng tính độc hại và an toàn của chúng, nhưng Chính phủ cần đặt vấn đề này thành ưu tiên hàng đầu để bảo vệ sức khoẻ tinh thần của trẻ em trước những tác động xấu của mạng xã hội.

Trong lúc chờ đợi những đạo luật bảo vệ người dùng từ Chính phủ, cha mẹ nên là người có trách nhiệm trong việc bảo vệ con cái trước mạng xã hội. Đầu tiên, cha mẹ nên làm gương thông qua việc không dán mắt vào màn hình điện thoại khi đang trò chuyện với các con. Sau đó, các bậc phụ huynh cũng cần chỉ cho con mình thấy được những lợi ích và tác hại của mạng xã hội: nó có thể phục vụ cho mục đích giải trí nhưng cũng có thể gây mất tập trung.

Một việc cần làm khác đó cha mẹ nên giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội của trẻ em. Điều quan trọng nhất là cần tìm hiểu về những gì mà con đang làm trên mạng xã hội, bao gồm việc trò chuyện với ai và nội dung của các cuộc trò chuyện là gì. Chúng ta đều biết quá rõ về những tác động xấu của mạng xã hội đến đời sống tinh thần của trẻ, vì vậy cha mẹ cần cẩn trọng khi để con sử dụng mạng xã hội và can thiệp ngay khi cần thiết.

Nguồn: Báo Harvard Health.

Lưu ý:
Những nội dung đăng tải trên Watsup đều mang mục đích hỗ trợ độc giả. Vui lòng xem kỹ ngày của lần nội dung cập nhật gần nhất (nếu có)đồng thời không dùng những thông tin này để thay thế cho lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế của bạn.  

Related Posts