Sức khoẻ tâm lý

Làm sao để chăm sóc sức khoẻ tâm lý của bạn?

Làm sao để chăm sóc sức khoẻ tâm lý của bạn?

Sức khỏe tâm lý là gì?

‘Dạo này bạn khỏe không?’

‘Mình ổn, cám ơn nha. Cuối tuần rồi nên khá thoải mái. Bạn thì sao?’

‘Thật ra mình thấy không tốt lắm, hình như mình làm gì cũng hỏng hết’.

Đây là một cuộc đối thoại về sức khỏe tâm lý – những suy nghĩ, cảm xúc, và khả năng đối mặt với những điều tốt lẫn xấu.

Không mắc bệnh tâm lý khác với có sức khoẻ tâm lý tốt. Nếu có sức khoẻ tâm lý ổn định, bạn sẽ có khả năng:

  • Trở thành một người tốt nhất có thể.
  • Đối mặt với cuộc sống.
  • Đóng vai trò quan trọng trong gia đình, nơi làm việc, cộng đồng và với bạn bè.

Sức khỏe tâm lý còn được gọi là ‘sức khoẻ tinh thần’ hoặc ‘trạng thái bình yên’ (wellbeing).

Mọi người đều có vấn đề về sức khỏe tâm lý. Chúng ta đều có lúc buồn bã, căng thẳng, hoặc sợ hãi. Tuy những cảm xúc này thường phai dần, chúng có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng, có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta.

Mỗi người mỗi khác. Nếu bạn có thể sớm bình thường lại sau một chuyện buồn, người khác sẽ cần nhiều thời gian hơn.

Sức khỏe tâm lý không phải là bất biến. Nó thay đổi dựa theo hoàn cảnh, theo từng giai đoạn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, các vấn đề về sức khỏe tâm lý còn vướng phải nhiều dị nghị. Mọi người thường cảm thấy không thoải mái và ít khi đề cập đến vấn đề này. Dù vậy, ý thức và bày tỏ cảm xúc của mình là những việc làm tốt cho sức khỏe.

1. Bày tỏ cảm xúc

Sức khoẻ tâm lý

Nói về cảm xúc của mình sẽ giúp bạn khỏe mạnh, vững vàng trước những khó khăn.

Bày tỏ cảm xúc không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà đó là hành động kiểm soát bản thân, cũng như cố gắng có một sức khỏe tốt.

Trò chuyện cũng là một cách để giải tỏa những chuyện làm bạn đắn đo. Cảm giác được lắng nghe sẽ khiến bạn cảm thấy được ủng hộ. Điều này đúng đối với cả hai phía. Việc bạn mở lòng mình sẽ khuyến khích người khác làm điều tương tự.

Bày tỏ cảm xúc không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nếu không thể gói gọn trong một từ, hãy nói thật nhiều. Bạn đang cảm thấy thế nào? Điều đó khiến bạn muốn làm gì?

Bạn không nhất thiết phải nói chuyện một cách hệ trọng. Nhiều người sẽ thoải mái hơn nếu mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên, như khi đang cùng nhau làm một điều gì đó. Nếu bạn còn cảm thấy ngại ngùng, cứ từ từ nhé. Hãy biến việc bày tỏ cảm xúc của mình thành một điều bình  thường.

2. Vận động nhiều

Sức khoẻ tâm lý

Tập thể dục thường xuyên sẽ khiến bạn tự tin hơn, tập trung, ngủ ngon, khiến bạn đẹp hơn và khỏe khoắn hơn.

Thể dục giúp não và các phần nội tạng khoẻ mạnh, có vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe tâm lý.

‘Những lớp học nhảy rock ‘n’ roll khiến tôi sảng khoái hết sức. Chân tôi ê ẩm sau đó vài tiếng, nhưng tôi vẫn rất vui’.

Tập thể dục không chỉ là chơi các môn thể thao hay đi gym. Đi dạo trong công viên, làm vườn hay làm việc nhà cũng là vận động. Các chuyên gia cho rằng mỗi người nên tập thể dục 5 ngày trong tuần, khoảng 30 phút mỗi ngày. Hãy tìm một hoạt động mà bạn yêu thích và thực hiện nó nhé.

‘(Tập thể dục) đã khiến tôi tự tin hơn, tôi đã chứng minh với bản thân những gì mình có thể làm được. Tôi còn thon gọn hơn và giảm được cân nữa. Chúng tôi luôn cảm thấy rất vui vẻ’.

3. Ăn uống lành mạnh

Những gì bạn ăn sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn, một số món sẽ có tác dụng ngay lập tức, như caffeine và đường.

Thức ăn có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ tâm lý của bạn. Não cần một hỗn hợp các chất dinh dưỡng để khỏe mạnh và hoạt động tốt, những nội tạng khác trong cơ thể cũng thế. Một chế độ ăn tốt cho sức khỏe thể chất cũng sẽ tốt cho tinh thần. Chế độ ăn lành mạnh, cân bằng bao gồm:

  • Nhiều trái cây và rau củ.
  • Ngũ cốc hoặc bánh mì nguyên cám.
  • Thực phẩm từ sữa.
  • Các loại hạt.
  • Dầu cá.
  • Thật nhiều nước.

3 bữa lớn hoặc 5 bữa nhỏ mỗi ngày, cùng với nhiều nước là đủ để duy trì một sức khỏe tinh thần tốt. Tránh dùng đồ nhiều caffeine, đường và các thức uống có cồn nhé.

4. Uống rượu vừa phải

Chúng ta thường uống rượu để thay đổi tâm trạng. Một số người uống để chống chọi với nỗi sợ hãi hay cô đơn, nhưng tác dụng của nó không được dài lâu.

Khi rượu hết tác dụng, bạn sẽ cảm thấy tệ hơn vì cồn đã ảnh hưởng tới não và cơ thể. Uống rượu không phải là một cách tốt để kiểm soát những cảm xúc phức tạp.

Ngoài những tác hại mà rượu mang lại, càng uống, bạn càng cần nhiều rượu hơn. Điều này được gọi là xây dựng sự miễn nhiễm với rượu. Trong bài viết này, có những cách lành mạnh hơn để đối mặt với những lúc khó khăn.

Uống một chút rượu vào những dịp đặc biệt là hoàn toàn lành mạnh, là điều được nhiều người ưa chuộng. Tuy vậy, hãy kiểm soát lượng cồn trong mức nên nạp mỗi ngày:

  • 30-40ml/ngày đối với nam giới.
  • 20-30ml/ngày đối với nữ giới.

Nhiều người hút thuốc, sử dụng chất kích thích hoặc những chất cấm khác để cảm thấy tốt hơn. Tuy nhiên, giống như rượu, càng dùng bao nhiêu, bạn sẽ càng ‘thèm’ bấy nhiêu. Nicotine và chất kích thích không thể chạm đến nguồn gốc của những vấn đề phức tạp. Chúng không thể giải quyết vấn đề.

5. Giữ liên lạc với người thân

Một gia đình khăng khít và những người bạn luôn ủng hộ sẽ giúp bạn đối mặt với những căng thẳng trong cuộc sống.

Bạn bè và gia đình sẽ khiến bạn cảm thấy mình có nơi để về và được chăm sóc. Họ có thể mở ra nhiều góc nhìn đối với vấn đề mà bạn đang băn khoăn, giúp bạn trở nên năng động, vững vàng và có khả năng giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.

Nói chuyện trực tiếp là cách tốt nhất, nhưng nếu không thể, bạn hãy gọi điện hoặc nhắn tin qua Internet. Hãy tìm nhiều cách để giao tiếp với người khác, điều này rất tốt cho bạn.

Nếu bạn thấy mình đang trở nên xa cách với ai đó, hãy quay lại phần hướng dẫn bày tỏ cảm xúc của bản thân và bắt đầu thôi!

Những mối quan hệ khiến bạn cảm thấy mình được yêu thương, giúp bạn nhận ra giá trị của bản thân đều xứng đáng được vun đắp. Tuy nhiên, nếu sức khỏe tinh thần của bạn tệ đi khi ở bên ai đó, tốt nhất là tạm thời tránh xa họ, hoặc cắt đứt liên lạc hoàn toàn. Việc kết thúc một mối quan hệ mà vẫn khiến bạn và đối phương cảm thấy thoải mái là điều hoàn toàn có thể.

Khi một người thân qua đời hoặc rời khỏi bạn, mọi chuyện sẽ rất khó khăn. Tìm kiếm lời tư vấn cho sự mất mát sẽ giúp bạn hiểu rõ những cảm xúc của mình.

6. Tìm kiếm sự giúp đỡ

Chẳng có ai trên đời này là siêu nhân cả. Chúng ta đều có lúc mệt mỏi, cảm thấy bị choáng ngợp bởi cảm xúc của mình, hay khi mọi chuyện không theo đúng kế hoạch.

Nếu mọi chuyện trở nên quá tải và bạn cảm thấy mình không thể chịu đựng được nữa, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ. Gia đình hay bạn bè có thể giúp bạn giải quyết hoặc lắng nghe. Các dịch vụ cộng đồng cũng sẽ hỗ trợ bạn. Ví dụ, bạn có thể:

  • Tìm một cố vấn tâm lý để giúp bạn kiểm soát những cảm xúc của mình.
  • Liên hệ các cơ sở có chuyên môn để được hỗ trợ.

Bác sĩ tổng quát có thể giới thiệu cho bạn một nhà cố vấn tâm lý. Bạn có thể cân nhắc việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ nếu các cảm xúc phức tạp đang:

  • Ngăn cản bạn có một cuộc sống tốt.
  • Ảnh hưởng lớn đến những người bạn sống hoặc làm việc cùng.
  • Ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn trong vài tuần.

Hơn 1/3 các buổi khám với bác sĩ tổng quát là về sức khỏe tâm lý. Bác sĩ sẽ gợi ý rằng chính bản thân hoặc gia đình có thể giúp bạn, hoặc họ sẽ giới thiệu một chuyên gia, hay một ai khác trong hệ thống y tế cho bạn.

7. Nghỉ ngơi

Thay đổi môi trường hoặc nhịp sống là một điều tốt cho sức khỏe tâm lý.

Đó có thể là nghỉ 5 phút khi đang dọn bếp, tạm dừng làm việc để ăn trưa trong 30 phút, hay đi khám phá một nơi mới mẻ vào cuối tuần. Vài phút nghỉ ngơi là đủ để bản thân bớt căng thẳng. Hãy dành ra một khoảng thời gian cho riêng bạn.

Dù đang nghỉ ngơi, bạn vẫn có thể hoạt động, không cần phải làm gì nhiều đâu. Hãy hít thở thật sâu và thư giãn. Bạn có thể thử yoga hoặc thiền, hoặc đơn giản là khiến bản thân thoải mái một chút.

Hãy lắng nghe cơ thể của mình. Nếu đang rất mệt, hãy đi ngủ. Khi thiếu ngủ, sức khỏe tâm lý của chúng ta bị ảnh hưởng xấu và khả năng tập trung sẽ giảm sút. Đôi lúc, không có gì quan trọng bằng giấc ngủ của bạn.

‘Những lúc đang ngồi trên xe buýt, tôi để những suy nghĩ của mình trôi qua, điều đó đã giúp tôi rất nhiều’.

8. Làm những việc sở trường của bạn

Bạn thích làm gì? Có hoạt động nào khiến bạn quên mất những gì xung quanh không? Bạn có từng thích làm điều gì không?

Tạo niềm vui cho bản thân là cách để ngừng căng thẳng. Làm một hoạt động mà bạn thích đồng nghĩa với việc đó là điều mà bạn giỏi, và việc đạt được một thành tích nào đó sẽ khiến bạn tự tin hơn. Tập trung vào một việc yêu thích, như làm vườn hay giải ô chữ sẽ giúp bạn quên đi muộn phiền, dù chỉ là trong chốc lát.

Khi có niềm vui của riêng mình, ở đó, bạn không còn là bố hoặc mẹ của ai đó, không phải là đồng nghiệp hay nhân viên. Bạn là chính bạn. Một tiếng vẽ vời sẽ giúp bạn thể hiện bản thân một cách sáng tạo. Một buổi sáng ở sân bóng sẽ giúp bạn năng động và tạo cơ hội gặp gỡ những người mới.

‘Tôi đang học chơi đàn ghi-ta. Vì cần phải tập trung hết sức để chơi cho đúng, tôi không còn sức để lo lắng chuyện khác nữa’.

9. Hài lòng với bản thân mình

Người thì có khiếu hài hước, người lại giỏi toán, còn một số khác thì nấu ăn thật ngon.

Chúng ta đều khác nhau. Việc ý thức rằng mình độc đáo lành mạnh hơn nhiều so với việc ao ước bản thân được giống một ai đó. Cảm thấy tốt về bản thân giúp bạn tự tin hơn để học thêm kỹ năng, đến những vùng đất mới và có thêm bạn bè. Lòng tin vào bản thân sẽ giúp bạn đối mặt với những biến cố của cuộc sống.

Hãy tự hào về bản thân mình. Bạn cần ý thức và chấp nhận những điều mình làm không tốt, nhưng cũng cần chú ý đến những thứ mà bạn giỏi. Nếu được thay đổi điều gì đó về bản thân, hãy nghĩ xem nó có thực tế không? Nếu có, hãy cố gắng từng chút một vì mục tiêu của mình.

‘Hài lòng với bản thân có nghĩa là sống hết mình vì hiện tại’.

10. Quan tâm đến người khác

Quan tâm đến người khác là một phần quan trọng trong việc vun đắp các mối quan hệ với người thân. Nó sẽ giúp hai bạn xích lại gần nhau hơn.

Việc giúp đỡ người khác sẽ khiến bạn cảm thấy mình có giá trị, nâng cao sự tự tin. Nó có giúp chúng ta nhìn thế giới ở một góc độ khác, từ đó nhận ra tầm quan trọng thực sự của các vấn đề cá nhân.

Chăm sóc cho thú cưng cũng cải thiện sức khỏe tâm lý. Sự gắn kết giữa bạn và con vật có thể bền chặt như giữa con người với nhau. Chăm sóc cho thú cưng sẽ khiến cuộc sống có quy củ, và còn là cách để kết nối với mọi người. Một số người đã có thêm bạn nhờ trò chuyện với những người dẫn chó đi dạo như mình.

‘Những người bạn rất quan trọng. Chúng ta giúp đỡ nhau bất cứ khi nào có thể, đây là một mối quan hệ hai chiều, và việc ủng hộ họ cũng khiến tôi cảm thấy tốt hơn’.


Bài viết được dịch từ The Mental Health Foundation

Related Posts