Sức khoẻ tâm lý

Làm sao để kiểm soát và giải toả căng thẳng?

Làm sao để định nghĩa căng thẳng?

Nhìn chung, căng thẳng là cảm giác chịu đựng nhiều áp lực từ một lượng lớn công việc, một cuộc cãi vã với người thân, hay lo lắng về vấn đề tài chính.

Căng thẳng là gì?

Sự căng thẳng ảnh hưởng đến chúng ta theo nhiều cách, về mặt thể chất lẫn tinh thần, theo nhiều mức độ khác nhau.

Các nghiên cứu cho thấy căng thẳng đôi khi lại là điều tích cực. Nó giúp chúng ta tập trung hơn và phản ứng tốt hơn trong một số trường hợp. Tuy nhiên, căng thẳng chỉ có lợi khi nó không kéo dài. Nếu bị căng thẳng liên tục, lâu dài, bạn sẽ dễ mắc phải các bệnh về tim mạch, và các vấn đề về sức khoẻ tâm lý như rối loạn lo âu hay trầm cảm.

Trong những tình huống khiến bạn cảm thấy bị đe doạ hay khó chịu, cơ thể bạn sẽ phản ứng lại bằng sự căng thẳng. Điều này gây ra một số triệu chứng ở mặt thể chất, làm thay đổi hành vi cư xử cũng như khiến bạn có những cảm xúc mãnh liệt hơn.

Triệu chứng về mặt thể chất

Mỗi người đều có cách phản ứng với sự căng thẳng của mình. Một số triệu chứng thường gặp của căng thẳng bao gồm: khó ngủ, đổ mồ hôi, hay thay đổi thói quen ăn uống.

Những triệu chứng này được kích thích bởi một loạt các hoóc-môn căng thẳng trong cơ thể, giúp bạn đối phó với áp lực hoặc cảm giác bị đe doạ. Đây còn gọi là phản ứng ‘chiến-hay-chạy’ (fight-or-flight response). Những hoóc-môn như adrenaline và nonadrenaline làm tăng huyết áp, khiến tim bạn đập nhanh hơn và đổ mồ hôi nhiều hơn. Điều này giúp cơ thể bạn sẵn sàng để phản ứng khẩn cấp. Chúng còn giảm lượng máu được truyền đến bề mặt da và giảm thiểu các hoạt động trong dạ dày. Một hoóc-môn căng thẳng khác tên là cortisol lại có khả năng truyền chất béo và đường vào cơ thể để tăng cường năng lượng của bạn.

Như vậy, bạn có thể bị nhức đầu, đau cơ, ê ẩm, buồn nôn, khó tiêu và chóng mặt. Bạn cũng có thể nhận thấy nhịp thở và tim đập nhanh hơn, chịu nhiều đau đớn. Về lâu dài, bạn có nguy cơ bị đau tim và đột quỵ.

Những thay đổi trên của cơ thể giúp bạn dễ ‘chiến’ hoặc ‘chạy’ hơn. Khi cảm giác áp lực và bị đe doạ trôi qua, các chỉ số hoóc-môn căng thẳng của bạn sẽ bình thường trở lại. Tuy nhiên, nếu bạn bị căng thẳng liên tục, những hoóc-môn này sẽ tích tụ trong cơ thể, dẫn đến các triệu chứng của sự căng thẳng. Nếu bạn đang ở trong văn phòng hoặc một chuyến tàu đông người, bạn sẽ không thể chiến hay chạy, như vậy bạn không thể dùng hết những chất hoá học mà cơ thể đã tạo ra để bảo vệ mình. Theo thời gian, sự tích tụ và những thay đổi mà các chất này tạo ra sẽ có hại cho sức khoẻ của bạn.

Ảnh hưởng đến hành vi và cảm xúc

Khi căng thẳng, bạn sẽ có nhiều cảm xúc khác nhau, bao gồm lo âu, cáu gắt hay tự ti, khiến bạn trở nên khép kín, thiếu quyết đoán hoặc dễ rầu rĩ.

Bạn có thể phải trải qua những giai đoạn đầy lo lắng, suy nghĩ dồn dập, hay cứ quanh đi quẩn lại một chuyện trong đầu. Một số người lại có sự thay đổi trong hành vi. Họ có thể dễ nổi giận hơn, cáu kỉnh hay trở nên bạo lực hơn ở cả lời nói lẫn hành động. Những cảm xúc này sẽ bổ sung cho nhau để gây ra những triệu chứng về thể chất, khiến bạn cảm thấy tệ hơn. Ví dụ, rối loạn lo âu ở mức độ cao sẽ khiến bạn thấy mệt mỏi tới mức sợ rằng mình đã mắc bệnh gì đó.

Nhận biết những dấu hiệu căng thẳng

Ai cũng trải qua cảm giác căng thẳng. Tuy nhiên, nếu điều đó ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khoẻ và sự bình yên của bạn, hãy đối mặt với nó càng sớm càng tốt. Sự căng thẳng ảnh hưởng tới mỗi người theo nhiều cách khác nhau, sau đây là một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp:

  • Liên tục lo lắng, hồi hộp.
  • Cảm thấy bị quá tải.
  • Khó tập trung.
  • Tâm trạng dễ bị thay đổi.
  • Cáu gắt, dễ nổi giận.
  • Khó thư giãn.
  • Trầm cảm.
  • Tự ti.
  • Ăn ít hay nhiều hơn bình thường.
  • Thay đổi thói quen ngủ.
  • Sử dụng đồ uống có cồn, thuốc lá hoặc chất cấm để thư giãn.
  • Đau nhức, đặc biệt là bị căng cơ.
  • Tiêu chảy và táo bón.
  • Buồn nôn hoặc chóng mặt.
  • Mất ham muốn tình dục.

Nếu bạn có những triệu chứng này trong một thời gian dài, và cảm thấy rằng chúng đang ảnh hưởng cuộc sống hoặc khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, hãy trao đổi với bác sĩ. Bạn nên tìm kiếm thông tin về các hình thức hỗ trợ và chữa trị phù hợp với mình.

Điều gì gây ra sự căng thẳng?

Rất nhiều tình huống có thể gây ra sự căng thẳng. Một số lý do thường gặp là công việc, tiền bạc và các mối quan hệ với người bạn đời, con cái hoặc người thân.

Sự căng thẳng có thể do những sự kiện lớn gây ra, như ly dị, thất nghiệp, chuyển nhà và mất người thân, hay một loạt các cảm giác khó chịu khi thấy mình không được trân trọng ở nơi làm việc, hoặc cãi vã với người thân. Đôi lúc, không có một lý do rõ ràng nào đằng sau sự căng thẳng.

Các mối quan hệ

Có nhiều lý do gây ra căng thẳng

Những mối quan hệ là nguồn động viên tuyệt vời vào lúc căng thẳng. Tuy nhiên, đôi khi những người thân như người yêu, cha mẹ, con cái, bạn bè hay đồng nghiệp lại khiến bạn căng thẳng hơn.

Từ những cuộc cãi vã dai dẳng và sự bất đồng, cho đến những vấn đề lớn hơn như ngoại tình, mắc phải một căn bệnh, hay mất mát người thân đều có khả năng ảnh hưởng đến cách bạn suy nghĩ, đến hành vi và cảm xúc của bạn. Từ đó, điều này sẽ tác động đến mức độ căng thẳng của bạn.

Cân bằng công việc và cuộc sống

Sự áp lực của nền văn hoá làm việc yêu cầu cao ở Anh là một trong những yếu tố lớn nhất gây ra căng thẳng.

Theo truyền thống, thời gian làm việc là 37 giờ mỗi tuần, nhưng một lượng lớn thời gian làm việc đã tăng trưởng gần đây cho thấy điều này có thể thay đổi. 20,1% dân số ở Anh làm việc từ 45 giờ trở lên mỗi tuần.

Chúng ta phải trả giá rất lớn cho những công việc thừa thãi dẫn đến căng thẳng. Cảm thấy không hạnh phúc về lượng thời gian làm việc và bỏ mặc những yếu tố khác của cuộc sống sẽ khiến bạn dễ rơi vào căng thẳng hơn. Nếu không được tiếp cận sớm, căng thẳng sẽ dẫn tới kiệt sức hoặc các vấn đề nghiêm trọng hơn về sức khoẻ tâm lý.

Những vấn đề về sức khoẻ tâm lý như rối loạn lo âu và trầm cảm được xem là những lý do phổ biến khi xin vắng ở nơi làm việc, chiếm đến 40% lượng nghỉ phép. Năm 2008, các vấn đề tâm lý lên đến 442,000 ca trong những căn bệnh liên quan đến công việc, tiêu tốn khoảng 13,5 triệu bảng (khoảng 425 tỷ VND). Từ đó, các vấn đề về tâm lý trở thành lý do lớn cho những căn bệnh dai dẳng và nghỉ hưu sớm, và là yếu tố lớn nhất gây ra bệnh cho 20% nhân viên trong dịch vụ y tế quốc gia.

Tài chính

Tiền bạc và mối lo về những khoản nợ khiến chúng ta vô cùng áp lực, nên không có gì là ngạc nhiên khi chúng có ảnh hưởng lớn đến mức độ căng thẳng của mỗi người.

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng đến mọi người theo từng mức độ nhất định. Những chỉ số gần đây từ StepChange Debt Charity cho thấy nhu cầu được tư vấn và hỗ trợ trả nợ tăng 56% từ năm 2012 đến 2014. Hiệp hội Tư vấn Cộng đồng (Citizens Advice) cũng nhận thấy sự tăng trưởng tương tự ở số lượng người đang căng thẳng về tài chính, lên đến 6407 vấn đề về nợ mỗi ngày làm việc.

Một cuộc khảo sát vào năm 2013 cho biết 42% người tìm kiếm sự giúp đỡ về chuyện nợ nần đã được bác sĩ kê đơn thuốc, giúp họ chống chọi tốt hơn. Bên cạnh đó, 76% những người đang trong một mối quan hệ cho rằng nợ nần đã ảnh hưởng đến chuyện tình cảm của họ.

Sự kết hợp của căng thẳng mãn tính với nợ nần có thể dẫn tới trầm cảm và rối loạn lo âu, được nhấn mạnh là một yếu tố liên quan đến những suy nghĩ và hành vi với mục đích tự tử. Nếu bạn đang gặp khó khăn về các vấn đề tài chính và nợ nần, điều quan trọng là đừng cố gắng giải quyết chúng một mình.

Bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ hay một chuyên gia về sức khoẻ có uy tín nếu lo lắng rằng các khoản nợ đang ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của mình.

Thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích

Một số người hút thuốc, uống rượu bia và dùng các chất kích thích để giải toả căng thẳng. Tuy nhiên, điều này thường khiến mọi chuyện tồi tệ hơn.

Các nghiên cứu cho thấy hút thuốc có thể tăng cảm giác lo âu. Nicotine chỉ tạo ra một sự thư giãn lập tức và tạm thời, dẫn đến các triệu chứng nghiện và thèm thuốc.

Tương tự, nhiều người dùng rượu bia để chống chọi với những cảm xúc phức tạp, và để giải toả lo âu. Tuy nhiên, rượu bia có thể làm những vấn đề tâm lý đang tồn đọng tệ hơn. Nó có thể khiến bạn thêm lo lắng và trầm cảm theo thời gian. Điều quan trọng là phải ý thức được giới hạn và uống một cách có kiểm soát.

Những loại thuốc kê đơn như thuốc an thần hay thuốc ngủ đều có mục đích tốt, nhưng chúng cũng có thể gây nên các vấn đề về tâm lý và sức khoẻ thể chất nếu được sử dụng trong một thời gian dài. Các chất kích thích như cần sa hay thuốc lắc thường được sử dụng với mục đích ‘giải trí’. Đối với một số người, những vấn đề bắt đầu nảy sinh khi cơ thể họ đã quen với việc sử dụng thuốc liên tục. Điều này khiến họ cần dùng một liều lượng lớn hơn để nhận được cùng một cảm giác.

Làm sao để tự cải thiện tình hình?

Căng thẳng là một phản ứng tự nhiên đối với những vấn đề phức tạp trong cuộc sống, như công việc, gia đình, các mối quan hệ và vấn đề tiền nong.

Như đã đề cập, căng thẳng ở mức vừa đủ sẽ giúp chúng ta xử lý tình huống tốt hơn, nhưng căng thẳng quá nhiều hoặc kéo dài sẽ dẫn đến những vấn đề về thể chất, bao gồm sức đề kháng kém, gặp khó khăn trong việc tiêu hoá như bị hội chứng ruột kích thích, hay những vấn đề về sức khoẻ tâm lý như trầm cảm. Chúng ta cần phải kiểm soát và giữ sự căng thẳng của mình ở một mức độ lành mạnh, để phòng tránh những tổn hại lâu dài về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Khi bị căng thẳng, bạn hãy thử làm theo những bước này:

  • Ý thức được khi nào nó trở thành vấn đề. Bạn cần liên hệ cảm giác mệt mỏi hay những căn bệnh với áp lực mà mình đang phải đối mặt. Đừng bỏ qua những dấu hiệu trên cơ thể như căng cơ, mệt mỏi, nhức hoặc đau nửa đầu.
  • Nhận biết lý do gây ra căng thẳng. Hãy cố gắng tìm hiểu gốc rễ của vấn đề. Khi đã biết những vấn đề có thể đang khiến bạn căng thẳng, hãy tìm cách giải quyết chúng và đưa vào 3 nhóm: những việc bạn có thể xử lý, những việc sẽ tự động tốt hơn theo thời gian, và những việc nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Hãy cố gắng buông bỏ những điều ở nhóm 2 và 3. Khi một chuyện gì đó sẽ tự ổn, hoặc không thể thay đổi, thì lo lắng về nó không có tác dụng gì cả.
  • Nhìn lại nhịp sinh hoạt của mình. Bạn có đang ôm đồm quá nhiều không? Có việc nào bạn đang làm mà có thể giao cho người khác? Bạn có thể thực hiện mọi việc một cách từ tốn hơn không? Bạn cần phải ưu tiền những điều mình muốn đạt được, và sắp xếp lại cuộc sống để không phải cố gắng làm mọi thứ cùng một lúc.

Bạn cũng có thể tránh tạo căng thẳng cho bản thân bằng nhiều cách:

  • Ăn uống lành mạnh. Một chế độ ăn lành mạnh sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh về dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nhiều bằng chứng cho thấy thức ăn có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta. Để tạo cảm giác bình yên, chế độ ăn cần phải bảo đảm một lượng phù hợp các chất dinh dưỡng cho não, như những vitamin và chất khoáng cần thiết, cũng như nước.
  • Ý thức về thói quen hút thuốc và uống rượu bia. Dù có vẻ như đang giúp bạn bớt căng thẳng, điều này là lệch lạc vì chúng thường khiến vấn đề tệ hơn.
  • Tập thể dục. Vận động là một cách rất hiệu quả để giải toả căng thẳng. Chỉ cần đi dạo và hít thở trong lành, hay vận động nhẹ nhàng như đi mua sắm cũng rất tốt.
  • Nghỉ ngơi. Hãy dành thời gian để thư giãn. Việc nói ‘Tôi không thể nghỉ được’ không có tác dụng gì nếu trong tương lai, bạn buộc phải nghỉ vì bị bệnh. Tạo được sự cân bằng giữa trách nhiệm với người khác và trách nhiệm với chính bản thân mình là yếu tố không thể thiếu để giải toả căng thẳng.
  • Chánh niệm. Việc thiền để nhận ra cảm xúc của bản thân có thể được thực hiện ở bất cứ nơi nào và lúc nào. Các nghiên cứu cho thấy cách này có thể giảm căng thẳng, lo âu và những vấn đề khác như mất ngủ, khó tập trung và tâm trạng kém ở một số người.
  • Ngủ đủ. Khi căng thẳng, bạn sẽ thường bị mất ngủ. Hãy cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Đừng quá khó khăn với bản thân. Cố gắng nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan hơn nhé. Dù sao đi nữa, chúng ta đều có những ngày không ổn mà.

Tìm kiếm sự giúp đỡ

Nếu bạn thấy mình đang gặp khó khăn khi phải chống chọi một mình, tìm kiếm sự hỗ trợ từ một chuyên gia là một điều tốt. Điều quan trọng là bạn cần tìm sự giúp đỡ càng sớm càng tốt để dần cảm thấy tốt hơn.

Người đầu tiên bạn cần liên hệ là bác sĩ của gia đình. Họ sẽ là người có khả năng đưa ra lời khuyên và giới thiệu bạn với một chuyên gia khác. Liệu pháp nhận thức – hành vi (Cognitive Behavioural Therapy – CBP) và Chánh niệm (Mindfulness) là những phương pháp giúp giải toả căng thẳng. Ngoài ra, có nhiều tổ chức tình nguyện sẽ giúp bạn đối mặt với nguồn gốc của sự căng thẳng, và tư vấn cho bạn những cách để cảm thấy tốt hơn.

Dịch vụ chuyên hỗ trợ sức khoẻ tâm lý

Có rất nhiều dịch vụ chuyên hỗ trợ các vấn đề khác nhau, như cố vấn hay các hình thức trò chuyện khác. Các dịch vụ này thường được một nhóm chuyên về sức khoẻ tâm lý cộng đồng (community mental health team – CMHT) tổ chức, ở bệnh viện hay các trung tâm sức khoẻ tâm lý của địa phương. Một số nhóm còn có các dịch vụ 24 giờ để bạn có thể liên lạc khi có vấn đề cấp bách. Bạn sẽ liên hệ được với họ qua các nhóm công tác xã hội trong địa phương.

101 lời khuyên hữu ích nhất từ bạn

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn những lời khuyên tuyệt vời mà các bạn đã cung cấp về cách quản lý sự căng thẳng. Cần nhớ rằng, ai cũng khác nhau và không có điều gì là đúng với tất cả mọi người. Sau đây là 101 lời khuyên từ chính những người đọc của chúng tôi. Hãy thử thực hiện chúng nhé!

  1. Gặp gỡ một người bạn.
  2. Dành ra 10 phút mỗi ngày để thư giãn và ngẫm nghĩ.
  3. Xem các buổi hùng biện trên TV về hiện thực cuộc sống vào ban đêm.
  4. Nghe nhạc thư giãn.
  5. Xem những bộ phim hài hước.
  6. Đi dạo ở vùng ngoại ô.
  7. Đi gym.
  8. Ngâm mình trong bồn tắm đầy tinh dầu hoa oải hương.
  9. Thiền.
  10. Nói chuyện với người khác để trút bỏ chút phiền toái.
  11. Dắt chó đi dạo.
  12. Ngủ nhiều hơn.
  13. Cầu nguyện.
  14. Đọc sách để tránh suy nghĩ về những điều căng thẳng.
  15. Làm một việc tốt cho người khác.
  16. Viết thư để kể cho ai đó nghe những chuyện đang khiến bạn bận tâm, nhưng không gửi nó.
  17. Vẽ tranh.
  18. Đi mát-xa hoặc đi spa cùng với một người bạn.
  19. Lập danh sách những thứ cần làm rồi gạch bỏ từng việc mà mình đã hoàn thành.
  20. Nhìn nhận mọi việc một cách khách quan.
  21. Đặt điện thoại xuống và nghỉ ngơi.
  22. Làm một điều bạn thích cùng với gia đình hoặc bạn bè, như là đi xem một chương trình gì đó.
  23. Nhảy nhót trong phòng theo bản nhạc yêu thích.
  24. Đi dự tiệc của một người bạn cùng với bạn bè, và trò chuyện về những vấn đề quan trọng trong xã hội.
  25. Thay đổi môi trường sống.
  26. Ra ngoài và gặp gỡ những người mới.
  27. Đi học yoga.
  28. Bày tỏ cảm xúc của mình.
  29. Dành thời gian cho những người tích cực xung quanh mình.
  30. Uống một món thật ngon, chuẩn bị thêm một quyển sổ và bút.
  31. Ăn một bữa lành mạnh và tránh dùng caffeine.
  32. Hoà mình vào thiên nhiên, có thể là đi dạo trên bờ biển, hay ngắm hoàng hôn.
  33. Xem chương trình bạn yêu thích trên TV.
  34. Dành ra một khoảng thời gian riêng tư để suy nghĩ về những chuyện ‘ấm lòng’.
  35. Hỏi bản thân người khác sẽ làm gì trong trường hợp của bạn.
  36. Thay vì suy nghĩ về lượng công việc bạn chưa hoàn thành, hãy nghĩ về những gì bạn đã làm được.
  37. Thư giãn với phản xạ liệu pháp (reflexology).
  38. Đi xem những buổi kịch và hoà nhạc phấn khởi đến mức nổi da gà.
  39. Đọc một quyển sách thật hay trước khi ngủ.
  40. Tổ chức một buổi tiệc ăn tối.
  41. Làm cho một người đang buồn vui lên.
  42. Dành thời gian làm điều mà bạn thích, chẳng hạn như làm vườn.
  43. Ghi lại những suy nghĩ của mình.
  44. Chơi game trên máy tính.
  45. Hạn chế việc trì hoãn công việc.
  46. Tìm một nơi yên tĩnh và cố gắng hình dung một kỉ niệm đẹp.
  47. Làm một điều có tính sáng tạo, như là đan len.
  48. Chơi một nhạc cụ.
  49. Chơi đùa với thú cưng.
  50. Hít thở không khí trong lành.
  51. Đối xử nhẹ nhàng với bản thân.
  52. Cười thật to!
  53. Đi xem đồ (nhưng không mua).
  54. Viết truyện ngắn.
  55. Gọi điện cho người thân.
  56. Nói chuyện với người lạ.
  57. Luyện tập liệu pháp nhận thức – hành vi (cognitive behavioral therapy – CBT).
  58. Nói chuyện với bạn bè trên Skype hay Facebook.
  59. Ngủ một chút.
  60. Nghỉ ngơi, dù chỉ một chút thôi cũng có hiệu quả rồi.
  61. Đi dạo vào giờ ăn trưa.
  62. Viết thơ.
  63. Ăn hoặc uống một món mà bạn thích.
  64. Ôm một em bé, tốt nhất là con của một người mà bạn biết. Ôm con của anh chị trong nhà là một cách tuyệt vời để giải toả căng thẳng.
  65. Hãy dành thời gian cho trẻ nhỏ. Chúng nhìn nhận vấn đề một cách rất rõ ràng, như ‘Đám mây kia trông hay thế’, giúp bạn nhận ra những điều đơn giản từng khiến mình phải ấn tượng.
  66. Đi hát karaoke.
  67. Tưởng tượng mình đang sống ở một thời kỳ khác, có thể là thời chiến hay trước khi xe hơi và tàu hoả được phát minh, hãy nghĩ rằng cuộc sống lúc đó liệu sẽ khó khăn hơn biết bao.
  68. Nướng bánh.
  69. Ngồi trong quán cà phê với một cốc trà và một tờ tạp chí.
  70. Đi bơ để thư giãn.
  71. Ngồi ghế đá trong công viên và nhìn thế giới vận hành.
  72. Dọn dẹp phòng hoặc tủ chén bát (có thể người khác sẽ thấy điều này căng thẳng, nhưng tôi thì thấy nó thật thư thái!).
  73. Rủ bạn chơi Scrabble.
  74. Hít thở thật sâu trong 2 phút, chú ý từng nhịp thở của mình.
  75. Nướng một món gì đó, đan một chiếc khăn choàng cổ, lắp rắp mô hình máy bay.
  76. Lập danh sách những lý do khiến bạn hạnh phúc với cuộc sống.
  77. Dành một phút để giãn cơ.
  78. Dùng mùi hương xịt phòng thư giãn hay nến thơm để tạo cảm giác bình yên.
  79. Tập Tai Chi.
  80. Ngắm những tấm ảnh về các kỷ niệm đẹp.
  81. Uống một cốc trà.
  82. Nghĩ đến một việc bạn đang mong chờ, hay một điều đã khiến bạn vui.
  83. Đi xem phim.
  84. Tập aerobics dưới nước (aquafit) vào giờ trưa.
  85. Đạp xe.
  86. Lắng nghe chim hót.
  87. Nhắc nhở bản thân rằng mọi chuyện có thể tồi tệ hơn và biết ơn những gì mình đang có.
  88. Chơi board game cùng gia đình.
  89. Bật bài hát bạn thích và hát theo thật to.
  90. Dọn dẹp!
  91. Tập vẽ calligraphy (viết chữ nghệ thuật).
  92. Tôi thấy di chuyển nội thất trong nhà rất thư giãn.
  93. Viết thư gửi người thân.
  94. Chơi đùa với các con.
  95. Xem các chương trình trên TV.
  96. Chạy bộ trong công viên.
  97. Hoạt động tình nguyện ở trung tâm vô gia cư đã giúp tôi nhìn nhận những lo lắng của mình một cách đúng đắn hơn.
  98. Chơi Sudoku hay ô chữ.
  99. Đọc tạp chí lá cải.
  100. Học nhảy salsa.
  101. Ôm một ai đó.

Bài viết được dịch từ The Mental Health Foundation

Related Posts