Thông tin y tế, Thông tin dinh dưỡng

Những sai lầm thường gặp về dinh dưỡng và COVID-19

Dịch COVID-19 kéo theo nhiều nỗi lo sợ, tạo nên những quan niệm sai lầm về dinh dưỡng, vitamin, hệ miễn dịch và mối liên hệ của chúng với chủng virus này. Tổ chức Dinh dưỡng Anh quốc (British Nutrition Foundation – BNF) đã đề cập và xoá bỏ những suy nghĩ sai lệch đó.

Sara Stanner, Giám đốc Khoa học tại BNF cho biết: “Thời gian gần đây, có rất nhiều khẳng định vô căn cứ về những chất dinh dưỡng giúp phòng ngừa virus. Sự thật là không có thức ăn, hay thực phẩm chức năng nào có thể bảo vệ bạn hoàn toàn khỏi virus cả. Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khoẻ cho bản thân thật cẩn thận vẫn là điều cần làm, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng và khó đoán như hiện tại”.

Mỗi nguyên tố vi lượng đều đóng vai trò riêng trong hệ miễn dịch – đừng chỉ tập trung vào một loại

Hệ miễn dịch là một cấu tạo phức tạp, bao gồm hệ thống tế bào và những hợp chất hoá học, giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự nhiễm trùng, hệ miễn dịch hoạt động ổn định nhờ vào nhiều chất dinh dưỡng khác nhau. Chúng ta cũng biết vitamin C và kẽm có vai trò quan trọng trong hoạt động của tế bào miễn dịch ngoài ra các thành phần sau cũng không kém phần quan trọng và chúng được cung cấp từ những loại thức ăn khác nhau:

Vitamin A: Hỗ trợ tế bào T, một dạng bạch cầu giúp phát hiện mầm bệnh (như virus hoặc nhiễm trùng), vitamin A có trong hầu hết các loại thức ăn, như: gan động vật và phô mai, chứa retinol – một hoạt chất của vitamin A; rau củ có màu xanh thẫm, trái cây, quả có màu cam chứa beta carotene, được cơ thể chuyển hoá thành vitamin A sau khi hấp thụ.

Vitamin B6: Giúp tái tạo tế bào miễn dịch, xây dựng kháng thể và liên kết các tế bào miễn dịch. Vitamin B6 có trong thịt gia cầm và cá, ngũ cốc được bổ sung chất dinh dưỡng, lòng đỏ trứng, chiết xuất nấm men, đậu nành, hạt mè và một số loại rau củ quả, trái cây như chuối, quả bơ và ớt chuông xanh.

Một chế độ dinh dưỡng giàu vitamin sẽ giúp bạn chống lại Covid-19

Vitamin B12: Có trong thực phẩm từ động vật như thịt, cá, sữa, phô mai và trứng, cũng như ngũ cốc được bổ sung chất dinh dưỡng, giúp cơ thể tạo thêm tế bào miễn dịch.

Vitamin C: Giúp các tế bào miễn dịch tấn công mầm bệnh, loại bỏ những tế bào đã bị nhiễm trùng, giúp da khoẻ hơn – điều ngăn chặn sự nhiễm trùng. Trái cây họ cam, rau củ xanh, ớt chung và cà chua đều là những thực phẩm chứa vitamin C.

Đồng: Dù hay bị lãng quên trong vô vàn các chất dinh dưỡng, nhưng đồng có khả năng hỗ trợ và bảo vệ các tế bào miễn dịch. Đồng có thể được tìm thấy trong rất nhiều thực phẩm, bao gồm: bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt, gạo, hạt quinoa, thịt, cá, và hải sản, đậu pulses (thuộc họ Legume), quả bơ, trái cây sấy khô, các loại hạt.

Đồng là chất dinh dưỡng có nhiều trong các loại hạt và rau củ.

Vitamin D: Hệ miễn dịch sẽ phản ứng kém khi cơ thể thiếu vitamin D. Dù nguồn cung cấp chính vitamin D là ánh nắng mặt trời, nhưng cũng có nhiều thức ăn giàu vitamin D như cá dầu, trứng, và ngũ cốc được bổ sung dinh dưỡng. Vì cơ thể không thể hấp thu đủ vitamin D chỉ từ chế độ ăn, nên bạn cần bổ sung 10mcg vitamin D mỗi ngày từ tháng 10 đến tháng 3, hoặc quanh năm nếu bạn không thường xuyên ra ngoài. Đây là điều đáng lưu ý, đặc biệt là trong giai đoạn cách ly xã hội, mọi người chủ yếu chỉ ở trong nhà như hiện nay.

Folate (Vitamin B9): Folate có trong rau củ quả màu xanh, đậu pulses (thuộc họ Legume), cam, các loại dâu, các loạt hạt, phô mai, bánh mì, và ngũ cốc được bổ sung chất dinh dưỡng. Folate đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra tế bào miễn dịch mới.

Sắt: Có trong nhiều loại thịt và rau củ quả, giúp duy trì sức khoẻ của tế bào miễn dịch. Sắt heme (haeme-iron) có trong đạm như nội tạng, thịt đỏ và cá, sẽ dễ hấp thu hơn sắt heme có trong rau củ.

Sắt là một chất dinh dưỡng không thể thiếu.

Selenium: Đây là chất dinh dưỡng không thể thiếu để cơ thể tạo ra tế bào miễn dịch mới, giúp chống lại nhiễm trùng một cách mạnh mẽ hơn. Nó có trong các loại hạt, đặc biệt là hạt Brazil, hạt điều và hạt hướng dương, cũng như trứng, nội tạng gia cầm, cá và hải sản.

Kẽm: Giúp cơ thể tạo nên những tế bào giúp chống lại virus, hỗ trợ mối liên hệ giữa các tế bào miễn dịch với nhau. Kẽm có trong nhiều loại thức ăn, như thịt, gia cầm, phô mai và các loại ngũ cốc nguyên hạt.

Chế độ ăn lành mạnh quan trọng không kém thực phẩm chức năng

Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp thực phẩm chức năng phát huy tác dụng.

Các chất dinh dưỡng ở phía trên đã cho thấy tầm quan trọng của một chế độ ăn đa dạng đối với hệ miễn dịch của cơ thể.

Dù việc mua thực phẩm bổ sung vitamin và chất khoáng là điều ai cũng muốn làm, nhưng không có một bằng chứng nào cho thấy chúng có thể phòng ngừa hay điều trị các bệnh nhiễm trùng. Một số nghiên cứu cho thấy vitamin C có thể làm giảm triệu chứng của bệnh cúm thông thường, nhưng căn bệnh này hoàn toàn khác với COVID-19. Nhiều chuyên gia cũng đang nghiên cứu về tác động của kẽm lên bệnh cúm, nhưng việc những chất này có phòng ngừa được COVID-19 hay không là điều không thể biết được.

Nếu bạn lo lắng rằng chế độ ăn của mình không đủ chất dinh dưỡng, thì việc sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin và chất khoáng là cách tốt nhất để cơ thể khoẻ mạnh. Tuy nhiên, bạn nên cố gắng hấp thu càng nhiều chất dinh dưỡng từ thức ăn càng tốt, vì một chế độ ăn lành mạnh sẽ có những hợp chất tự nhiên không có trong thực phẩm bổ sung.

Bài viết được dịch từ Tổ chức Dinh dưỡng Anh quốc (British Nutrition Foundation – BNF).