Sức khoẻ tâm lý, Thông tin dinh dưỡng

Food shaming và những điều cần biết

Food shaming là gì?

Đáp trả thế nào khi bị phán xét về việc ăn uống – food shaming?

Đừng để những phán xét của người khác làm ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn.

Có lẽ trong chúng ta, ai cũng đã từng một lần đến các bữa tiệc và nghe thấy những lời bàn tán về đĩa thức ăn của người khác có những gì. Nhưng khi điều này xảy ra với chính mình, cảm giác sẽ hoàn toàn khác.

Nhiều người cho rằng những góp ý của người thân hay những lời họ lỡ thốt ra lúc say xỉn sẽ chẳng ảnh hưởng gì, nhưng thực tế nếu nghe thấy, chắc hẳn nó sẽ làm bạn buồn và tổn thương rất nhiều.

Tại sao mọi người lại hay soi mói thức ăn của người khác như vậy? Và liệu chúng ta nên làm gì khi có người chỉ trỏ đĩa thức ăn của mình? Tiến sĩ tâm lý học Ninoska Peterson đã giải thích lý do mà chúng ta hay thấy tội lỗi khi chọn đồ ăn và chia sẻ một số lời khuyên hữu ích để bạn không còn bị người khác quấy rầy về việc này

Food shaming là gì?

Food shaming là hành động phán xét về đồ ăn của người khác theo nhiều cách thức khác nhau. Ví dụ, nếu bạn đang thưởng thức một món ăn đặc sản vùng miền mới lạ mà có người lại nói với bạn rằng nó kì dị, thì đó là một dạng food shaming. Food shaming cũng có thể được hiểu là sự phán xét về chất lượng của món ăn, lượng calo/chất béo/tinh bột hoặc chỉ đơn giản là bình luận phần ăn của bạn to hay nhỏ.

Food shaming là phán xét thức ăn của người khác, về mặt dinh dưỡng hoặc văn hoá.

Ví dụ về food shaming

  • Bà ăn phần của cả nhà luôn à!
  • Ăn cái này có bổ béo gì đâu, không biết sao còn ăn?
  • Ăn cái gì mà hôi quá vậy?
  • Ăn cái này chắc mập lên 10kg. Chọn cái khác mà ăn.
  • Bà mà ăn hết nhiêu đây chắc lăn luôn á.
  • Bạn ăn có nhiêu đây hả? Ăn ít vậy sao mập nổi.

Tại sao họ lại đánh giá những gì người khác ăn?

Tiến sĩ Peterson cho rằng những đánh giá này có thể xuất phát từ một số điều sau:

“Thói quen phán xét này có thể xuất phát từ kinh nghiệm sống hoặc văn hoá nơi bạn ở. Những điều đó giống như “cha truyền con nối” và kéo dài đến bây giờ. Ngày nay, mạng xã hội cũng góp phần không nhỏ làm quan điểm tiêu cực này trở nên thêm phổ biến. Thói quen ăn uống, khẩu vị, thậm chí là cách ăn uống từ nhỏ cũng một phần tạo thói quen trong việc bàn tán về thức ăn của người khác”.

Tại sao bạn cảm thấy mặc cảm về việc chọn lựa thức ăn của mình?

Tiến sĩ Ninoska Peterson chỉ ra rằng nhiều người có cách đánh giá thức ăn một cách quá cực đoan. Họ cho rằng món này là vô cùng tốt hoặc món kia hoàn toàn có hại. Và sai lầm đó dẫn tới những ảnh hưởng về sức khỏe của họ về sau.

Food shaming khiến người khác mặc cảm về lựa chọn ăn uống của mình.

“Chúng ta cần thức ăn để cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của cơ thể, nhưng cần phải đặt ra một nguyên tắc ăn uống riêng cho bản thân, tốt nhất là từ nhỏ. Phải xác định rằng cơ thể cần bổ sung thức ăn khi nào và ăn bao nhiêu là đủ. Nguyên tắc này không dễ dàng thay đổi, và khi chúng ta tự phá vỡ nguyên tắc của chính mình, bản thân sẽ tự cảm thấy có lỗi”.

Vượt qua cảm giác tội lỗi đó như thế nào?

Để không còn tự trách mình khi ăn uống, Tiến sĩ Peterson gợi ý nên phân chia thực phẩm thành hai nhóm là “ăn vì sức khoẻ” và “ăn cho đã thèm”, thay vì phân loại ra món ăn nào là “tốt” và món nào là “xấu” hẳn hoi.

“Tôi thường khuyến khích mọi người xem thức ăn của mình thuộc nhóm ‘ăn vì sức khoẻ’ hay là ‘ăn cho đã thèm’. Điều này sẽ giúp bạn nhận ra rằng khi bạn đói thì bạn nên ăn thức ăn ‘tốt cho sức khoẻ’ (như rau) và có thể thưởng thức những thứ ‘cho đã thèm’ (như các món tráng miệng). Chất lượng cuộc sống của bạn có thể bị ảnh hưởng nếu bạn chỉ ăn những món ‘healthy’ mà không có những thứ ‘đã cơn thèm’, và ngược lại. Bạn nên cân bằng hợp lý hai nhóm này trong thực đơn hằng ngày. ”

Hãy thử tự kiểm soát hoặc nhờ chuyên gia

Tiến sĩ Peterson nói rằng có rất nhiều cách để giúp chúng ta bớt cảm thấy tự trách móc bản thân khi thưởng thức các món ngon. Bên cạnh đó vẫn có những chuyên gia có khả năng giúp đỡ khi bạn không có đủ quyết tâm. Dù sao thì tự kiểm soát quá khắt khe trong ăn uống cũng không phải là giải pháp tốt.

“Có một câu nói vui rằng ‘ăn kiêng là ăn kham ăn khổ.’ Đó là tư tưởng mà không ai muốn có, nhưng nhiều người vẫn cố làm theo. Bạn cũng không hề muốn tự làm khổ bản thân đúng không nào? ”.

Tiến sĩ Peterson khuyên rằng bạn nên viết cảm xúc ra giấy và tự mình đánh giá. Đôi khi, chúng ta cũng cần nghiêm khắc với bản thân để trở nên tốt hơn. Bằng cách nhìn mọi thứ với sự trung lập và khách quan, chúng ta có thể thoát ra khỏi vòng tiêu cực đó.

Hãy lý trí trong việc ăn uống và đừng quá ám ảnh về việc này

Một cách khác để giảm cảm giác dằn vặt trong ăn uống là thực hành ‘chánh niệm trong ăn uống’. Thay vì ăn vội vàng cho qua bữa, hãy ăn chậm rãi và thưởng thức từng chút một. Hãy nghĩ về hương vị và thành phần của món ăn bạn đang ăn và chỉ cần tận hưởng khoảnh khắc này. Tiến sĩ Peterson cho biết chìa khóa chỉ là “cứ ăn, tận hưởng và cứ tiếp tục sống.”

Bạn nói gì khi ai đó phát xét về những gì bạn ăn?

Bạn chuẩn bị một đĩa thức ăn, ngồi xuống bàn và ai đó bắt đầu phán xét bạn.

Bạn nên đáp lại như thế nào?

Đấm vào mặt họ không phải là giải pháp trong tình huống này. Thay vào đó, hãy bình tĩnh và hành xử đúng mực. Tiến sĩ Peterson khuyên rằng hãy nói chuyện với họ thẳng thắn. Bạn có thể nói: “Tôi cảm thấy không vui khi bạn cứ chỉ trỏ vào món ăn của tôi như thế, nó không hay cho lắm. ”

Nếu bạn cho phán xét của họ không có mục đích xấu, bạn có thể nói rằng, “Tôi biết bạn có ý tốt, nhưng cách bạn nói ra điều đó làm tôi thấy không ổn”.

Khi đó là sự quan tâm chứ không phải food shaming

Một số người bày tỏ quan điểm vì họ thực sự lo lắng cho sức khỏe của bạn. Sự quan tâm đó đôi khi có thể bị hiểu lầm thành những lời phán xét. Tiến sĩ Peterson tin rằng sự quan tâm từ bạn bè và gia đình là tốt. Điều đó có thể giúp chúng ta nhận biết khi nào đang vượt quá tầm kiểm soát, đặc biệt là đối với những người mê đồ ăn.

Đôi khi họ đang thật sự quan tâm đến bạn, chứ không phải là food shaming.

“Thói quen ăn uống của bạn có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ, công việc hoặc thậm chí là tiền bạc. Nhiều người thường không nhận ra những điều đó, cho đến khi có người cảnh báo thì mới nhận thức được. Vì vậy, có bạn bè và gia đình bên cạnh giúp bạn nhận ra điều bất thường cũng là điều rất tốt.