Thông tin y tế, Sức khoẻ tâm lý

6 Điều cần nhớ khi đi khám bệnh

Nếu bạn có bệnh mãn tính, việc phải dành nhiều thời gian đi đến phòng khám để theo dõi bệnh thật sự mệt mỏi.

Khám bệnh giúp chúng ta biết tình trạng sức khoẻ hiện tại của mình và cảm thấy yên tâm hơn. Tuy nhiên, nhiều khi đi khám bác sĩ làm chúng ta thấy lo lắng, khó chịu và bực mình nữa.

Điều này hoàn toàn bình thường, rất nhiều người cảm thấy như vậy. Có người còn bị tăng huyết áp vì lo lắng mỗi khi phải đi đến phòng khám hay bệnh viện.

Nghiên cứu cho thấy có đến 30% người bị tăng huyết áp do mắc hội chứng “áo choàng trắng” (white coat hypertension). Nghĩa là khi gặp bác sĩ hoặc ở bệnh viện thì huyết áp của họ bỗng nhiên tăng cao hơn bình thường.

Thời gian dành cho các buổi khám bệnh thường rất ngắn.

Nếu đi khám bệnh mà không được bác sĩ trả lời hết các thắc mắc hay lo lắng của mình mà đã phải ra về thì bệnh nhân sẽ rất bực bội.

Không phải chỉ có các bệnh nhân thấy vậy, mà ngay cả các bác sĩ cũng thấy thời gian khám bệnh của họ khá gấp rút. Một khảo sát năm 2018 cho thấy có đến 85% bác sĩ thừa nhận rằng họ không có đủ thời gian để giải thích hết các lo lắng của bệnh nhân trong một buổi thăm khám.

Nhiều bác sĩ cũng cảm thấy thời gian khám bệnh không đủ.

Nếu đi khám, bạn cần được cảm thấy tôn trọng và lắng nghe, đặc biệt là khi bạn phải sống cùng với các căn bệnh mãn tính.

Cần khá nhiều thời gian và công sức để tìm thấy một người bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn phù hợp với nhu cầu của mình. Sau đây là 6 tips hữu dụng để bạn làm được điều đó.

Viết ra các câu hỏi trước khi đến gặp bác sĩ

Hãy tập thói quen ghi chú lại thắc mắc của mình bất kì khi nào bạn có câu hỏi cần được bác sĩ giải đáp. Đến ngày khám bệnh là bạn đã có sẵn một danh sách câu hỏi để trao đổi với bác sĩ của mình rồi.

Lắng nghe phản ứng của cơ thể

Có những người phải mất hàng năm trời mới tìm được một vị bác sĩ phù hợp cho mình.

Bạn biết bạn đã tìm được đúng người khi vị bác sĩ đó không chỉ điều trị, mà còn lắng nghe bạn nói về cơ thể và những gì bạn đang tự cảm nhận về sức khoẻ của mình. Họ nên là người lắng nghe và tin tưởng những gì bạn cảm nhận được, chứ không chỉ đối xử với bạn như một bệnh nhân.

Chủ động theo dõi sức khoẻ bản thân

Đừng ngại phải gọi điện thoại cho bác sĩ để được giải đáp thắc mắc về sức khoẻ của mình. Khi bạn thấy không yên tâm, hãy tìm cách liên lạc, đừng đợi tận vài ngày chỉ để có một câu trả lời.

Bạn có thể chủ động liên hệ với bác sĩ trước hay sau khi khám bệnh.

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng có thể phòng khám quá bận, hoặc y tá quên nhắn cho bác sĩ giúp mình. Tuy nhiên việc trả lời các lo lắng và triệu chứng bệnh của bạn là việc mà bác sĩ nào cũng cần phải làm và không được bỏ qua.

Đi cùng người thân yêu

Khi đi khám bệnh cùng người mà bạn yêu thương và tin tưởng, họ có thể giúp bạn bình tĩnh hơn. Bên cạnh đó, họ còn có thể hỏi bác sĩ giúp bạn một số điều mà lúc đó bạn chưa kịp thời nghĩ tới.

Chuẩn bị sẵn 3 câu hỏi chính

Nghĩ ra 3 vấn đề mà bạn quan tâm nhất về tình trạng sức khoẻ của mình. Khi bạn chỉ hỏi 3 câu thì bác sĩ cũng không thấy quá nhiều, và thường 3 câu hỏi đã đủ trả lời các thắc mắc của bạn rồi.

Ưu tiên chọn bác sĩ biết lắng nghe & tôn trọng bạn

Có những trường hợp các bác sĩ đổ lỗi cho bệnh nhân khi tình trạng trở nên xấu đi, hoặc tệ hơn là đối xử với bệnh nhân như thể họ chẳng có hiểu biết gì cả. Có khi họ còn bỏ qua mọi lo lắng của bệnh nhân mà không giải đáp kĩ càng.

Khi khám bệnh, bác sĩ cần lắng nghe vấn đề của bệnh nhân.

Nếu gặp trường hợp đó, bạn nên đổi bác sĩ ngay lập tức. Bạn sẽ thấy vui vẻ và yên tâm hơn hẳn khi gặp được một bác sĩ phù hợp. Khi kết nối được với bác sĩ, bạn sẽ có thể tin tưởng và liên lạc với họ những khi cần.

Tóm lại

Bạn không phải là người duy nhất đã từng cảm thấy lo lắng hay tức giận khi đi khám bệnh, điều này xảy ra với rất nhiều người trong chúng ta.

Bạn và bác sĩ của mình nên có mối liên kết chặt chẽ và lắng nghe lẫn nhau. Hai bên cần giao tiếp một cách cởi mở về các vấn đề sức khoẻ của bạn và tôn trọng nhau.

Nếu bạn thấy không thoải mái mỗi lần phải hỏi bác sĩ một điều gì đó, hãy tạm dừng lại và hỏi bản thân mình 3 câu này:

  1. Bác sĩ của mình có đang lắng nghe mình nói không?
  2. Nếu mình chuẩn bị trước câu hỏi thì buổi khám có thoái mái hơn không?
  3. Có khi nào mình cần một người bác sĩ hoặc chuyên gia khác phù hợp hơn với nhu cầu của mình không?

Điều đầu tiên bạn cần có là sự tự tin khi đến các buổi khám bệnh để có thể nhìn nhận được vấn đề nằm ở đâu, nếu bạn thấy không được hài lòng.