Lối sống khoẻ, Thấp khớp

Vì sao ngồi sai tư thế lại thoải mái?

“Ngồi sai tư thế là đau lưng”, “Ngồi sai tư thế bị cong vẹo cột sống”,… Những lời cảnh báo về hậu quả của việc ngồi xiêu vẹo là rất nhiều, nhưng cảm giác được nghiêng ngả trên ghế sofa êm ái, hay được xem một bộ phim hấp dẫn đến mức phải chúi mũi vào màn hình máy tính thật sung sướng. Niềm vui này còn mạnh mẽ đến mức át hẳn đi tất cả những nỗi sợ kia, kể cả khi bạn biết rằng mình không hề nên làm thế. Vậy vì sao ngồi sai tư thế lại thoải mái thế nhỉ?

Như thế nào là ngồi sai tư thế và tác hại ra sao?

Ngồi sai tư thế là một thói quen của nhiều người và ai cũng có thể ngồi sai theo cách của mình, tuỳ theo nghề nghiệp, thói quen và lứa tuổi. Có 4 cách ngồi sai thường gặp:

1. Ngồi rướn cổ ra phía trước

Rướn cổ ra phía trước là cách ngồi sai tư thế của dân văn phòng.

Đối với người thường xuyên dùng điện thoại, máy tính và lái xe hơi, tư thế ngồi sai thường thấy là rướn cổ ra phía trước, hay còn gọi là “tech neck”. Để nhận biết tư thế này, bạn hãy chú ý xem khi ngồi thì tai và vai của mình có nằm trên cùng một đường thẳng dọc hay không. Nếu tai bạn nằm phía trước đường thẳng đó thì mình đang ngồi sai tư thế.

2. Ngồi gù lưng

Gù lưng là tư thế sai thường gặp ở người lớn tuổi

Ngồi gù lưng cũng là một thói quen khó bỏ của nhiều người, đến mức thế ngồi này có hẳn một cái tên chính thức là kyphosis. Tư thế ngồi này thường gặp ở những người lớn tuổi, do cột sống của chúng ta sẽ ngày một yếu đi.

3. Ngồi dựa lưng

Dựa lưng là lỗi ngồi sai tư thế mà dân văn phòng hay mắc phải.

Nhân viên văn phòng hay người ngồi xem tivi, máy tính hay mắc phải lỗi này. Đây là thế ngồi khi phần hông của mình dịch ra phía trước, còn lưng thì dựa sát vào tường hoặc ghế, khiến cơ ở lưng của bạn bị cứng và yếu dần.. Đây là thế ngồi khi phần hông của mình dịch ra phía trước, còn lưng thì dựa sát vào tường hoặc ghế, khiến cơ ở lưng của bạn bị cứng và yếu dần.

4. Ngồi phẳng lưng

Ngồi phẳng lưng khiến bạn mệt mỏi khi đứng lâu.

Khác với những tư thế trên, ngồi phẳng lưng lại chủ yếu do các yếu tố bẩm sinh hoặc do phẫu thuật. Đây là tư thế khi lưng bạn thẳng, nhưng bạn lại có chiều hướng nghiêng người về phía trước. Tư thế này sẽ khiến bạn dễ mệt mỏi nếu phải đứng lâu.

Vì sao mình thích ngồi sai tư thế?

Những việc tốt thường không hề dễ dàng để thực hiện và ngồi đúng tư thế cũng vậy, vì nó yêu cầu cơ thể phải làm việc nhiều hơn.

Ngồi sai tư thế khiến các cơ ở cổ và lưng của bạn hoạt động ít hơn, nhưng lại dồn áp lực vào xương và khớp trên cơ thể. Khi cơ bắp không phải hoạt động nhiều, cơ thể sẽ tự động cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn, khiến bạn cảm thấy ngồi sai tư thế thật dễ chịu.

Thụ động cũng là một tác nhân khiến bạn quen ‘sống trong cái khổ’ hơn. Theo bác sĩ trị liệu cột sống Mike Distler, ngồi lâu và ít vận động cũng khiến bạn chuộng những tư thế ngồi sai. Lực tác động lên dây chằng, sụn khớp và đĩa đệm nhẹ nhàng và gây ít đau đớn hơn nếu bạn vận động nhiều để tạo ra cơ bắp.

Khi ngồi hoặc đứng lâu, phần cơ bắp hỗ trợ cân bằng cột sống trước áp lực của cân nặng cơ thể và trọng lực sẽ dần mệt mỏi và không phát huy tốt tác dụng của mình nữa. Mất đi sự hỗ trợ này, tư thế của bạn sẽ tự động trở nên xiêu vẹo vì đã quá mệt mỏi, không còn sức ngồi đàng hoàng nữa. Tuy nhiên, sự thoải mái này chỉ là nhất thời.

Cơ thể bạn đã bị đóng khung trong những tư thế ngồi sai.

Bên cạnh đó, thói quen xấu khá khó bỏ, đặc biệt là trong trường hợp này khi cơ thể bạn đã bị đóng khung trong một tư thế ngồi nhất định. Công việc bận rộn hay một bộ phim hấp dẫn đã khiến việc ngồi đúng tư thế không còn là ưu tiên. Càng ngồi một tư thế càng lâu, cơ thể bạn càng hiểu rằng đây mới là cách ngồi đúng và hoàn toàn bình thường. Đồng thời, những tư thế ngồi đúng hơn lại khiến cơ thể mệt mỏi và cảm thấy thiếu tự nhiên.

Làm sao để ngồi đúng tư thế?

Chúng ta thường nghe người lớn nói “Ngồi thẳng lưng lên!” khi thấy con cái trong nhà đang hơi ngả ngớn. Tuy nhiên, không thật sự có công thức chính xác nào cho một thế ngồi chuẩn.

Theo Cleveland Clinic, một tư thế chuẩn là khi bạn giữ cơ thể thẳng khi nằm hoặc ngồi, mặc cho sự tác động của trọng lực. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chỉ có thế ngồi lưng thẳng đuột là đúng và phù hợp cho tất cả mọi người. Ví dụ như phụ nữ thường có một phần lõm lớn hơn ở giữa lưng, nên việc ngồi thẳng hoàn toàn sẽ khó khăn và không tự nhiên.

Vậy rốt cuộc thì ngồi như thế nào mới không ảnh hưởng đến cột sống? Dù không giống nhau hoàn toàn, nhưng những tư thế ngồi chuẩn vẫn có một số điểm chung nhất định:

  • Không vắt chéo chân.
  • Bàn chân đặt trên một mặt phẳng, không để lơ lửng.
  • Không rướn cổ về phía trước.
  • Dựa lưng vào ghế, có thể sử dụng đệm cổ hoặc gối ở phần lưng dưới nếu cấu tạo của ghế không phù hợp.
  • Cứ 1 tiếng ngồi thì bỏ ra 10 phút để đứng lên đi lại.
  • Đầu tư ghế phù hợp với cột sống nếu có điều kiện.

Để biết được chính xác tư thế ngồi chuẩn và phù hợp với bản thân, bạn nên thao khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên viên y tế trong lĩnh vực trị liệu cột sống và xương khớp.

Kết luận

Cảm giác ngồi dựa lưng vào tường, rướn cổ,… có thể sẽ không gây ra tác hại rõ rệt nào ngay lập tức, nhiều khi còn có thể rất thoải mái, nhưng hậu quả về sau thật sự nghiêm trọng và khó lường. Giống như nhiều thói quen khác, việc thay đổi không thể muốn là được ngay, nên bạn hãy kiên nhẫn và cố gắng từng chút một, đừng gây áp lực lên cột sống hay bản thân mình nhé.

Lưu ý:
Những nội dung đăng tải trên Watsup đều mang mục đích hỗ trợ độc giả. Vui lòng xem kỹ ngày của lần nội dung cập nhật gần nhất (nếu có) đồng thời không dùng những thông tin này để thay thế cho lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế của bạn.